Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Củng cố niềm tin bằng “dân vận khéo”]: Bài 1: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Hồng Thái - Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi vào những việc cụ thể, lấy hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu, tập trung vào những việc mới, việc khó là cách làm dân vận tại Hà Nội. Với những cách làm sáng tạo, những mô hình “dân vận khéo” được triển khai đã và đang góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị từ cơ sở.

Gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, đó là “bí quyết” được các tổ dân vận trên địa bàn TP Hà Nội rút ra từ thực tế.

Không ngại việc khó

Nói về vai trò của công tác dân vận tại cơ sở, lãnh đạo nhiều quận, huyện đã nhận định, nếu không có “cánh tay nối dài” này, sẽ khó thực hiện tốt được các nhiệm vụ chính trị. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thành viên các tổ dân vận đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trên địa bàn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đồng thời, thường xuyên sâu sát, gần gũi, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân; phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với người dân trước khi quyết định các chủ trương lớn của địa phương, góp phần củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa Nhân dân với tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền các cấp.

Cán bộ Tổ dân phố 41, phường Phương Mai (quận Đống Đa) tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn 

Như thời điểm Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua và hiện nay, bất kể ngày đêm, hệ thống dân vận từ TP đến 5.100 tổ dân vận ở cơ sở luôn chủ động vào cuộc theo đúng tinh thần “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của T.Ư và TP. Khi một số địa bàn phải thực hiện cách ly, cán bộ dân vận nắm bắt tâm tư, động viên người dân, giúp đỡ các trường hợp bị cách ly tại gia đình, tạo ra sự tin tưởng vào các giải pháp phòng dịch của T.Ư, TP. 

Trở lại thời điểm tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 tại Hà Nội diễn biến phức tạp, đặc biệt bùng phát “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa), đội ngũ cán bộ ở các tổ dân phố đã chủ động, tích cực đóng góp vào cuộc chiến chống dịch, xây dựng nên những “pháo đài” chống dịch kiên cố, đẩy lùi dịch bệnh.

"Nếu không có các cán bộ trong hệ thống dân vận tại các tổ dân phố, khu dân cư, phường sẽ khó thực hiện tốt được các nhiệm vụ chính trị. Bất kể ngày đêm, các cán bộ tổ dân phố, MTTQ, các đoàn thể của phường đều vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, đến từng hộ dân để rà soát, kiểm tra; rồi tham gia giám sát, giúp đỡ các trường hợp bị cách ly tại gia đình. Đây cũng là một góc độ của công tác dân vận" - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phương Mai Hoàng Thị Bảo Phương

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) Hoàng Thị Bảo Phương chia sẻ, trong giai đoạn bệnh viện phong tỏa, phường đã phải thực hiện các biện pháp cách ly, vận động người dân tự giác thực hiện, ra các quyết định cách ly và giám sát việc cách ly của người dân. Trong công việc này, vai trò của các cán bộ cơ sở trong công tác dân vận giai đoạn đó đặc biệt quan trọng. Bản thân các bác phải có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, đồng thời, đây cũng là các trường hợp người già có nguy cơ cao. Tuy nhiên, với vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, các bác không nề hà, quản ngại khó khăn, đã xắn tay tham gia cùng chính quyền phường để vận động người dân thực hiện tốt công tác cách ly.

Thời điểm đó, có rất nhiều vấn đề xảy ra, nảy sinh trong quá trình các hộ dân thực hiện cách ly như việc cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ; giám sát y tế… Nhờ có sự hỗ trợ tận tình, nhiệt tình của các bác cán bộ cơ sở, cán bộ y tế, người dân đã tự nguyện, tự giác thực hiện, tuân thủ tuyệt đối quyết định cách ly. Ngoài ra, thời gian giãn cách xã hội, phải thực hiện công tác dân vận đối với các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu, vai trò của người cán bộ cũng rất quan trọng. Ở cơ sở có Bí thư chi bộ, Tổ trưởng - Tổ phó dân phố, Trưởng ban công tác mặt trận…, đồng thời, mỗi người dân đều có khả năng dân vận, khả năng thuyết phục.

Đúng 0 giờ ngày 12/4, những tấm biển khu vực cách ly, rào chắn tại Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ, mọi hoạt động của bệnh viện chính thức trở lại bình thường 

“Phường Phương Mai luôn là “điểm nóng” bất kể thời điểm nào, ngoài Bệnh viện Bạch Mai, trên địa bàn còn có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và một số bệnh viện khác. Các dịch bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu…, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh có sự giao tiếp, giao thoa với người dân trên địa bàn, nên phường luôn đề cao công tác chống dịch của mỗi người dân” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phương Mai Hoàng Thị Bảo Phương nhấn mạnh.

Tạo sự đồng thuận và tin tưởng

Nói về công tác dân vận ở thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, ông Vũ Diễn - Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 41 phường Phương Mai cho hay, khi Bệnh viện Bạch Mai được xác định có ca nhiễm bệnh, cán bộ, đảng viên đã cùng tổ dân phố, các đoàn thể rà soát dịch tễ từng hộ gia đình để tìm ra người liên quan và kịp thời khoanh vùng; tiến hành các biện pháp cách ly tại nhà cho nhiều trường hợp. Đồng thời, thực hiện cách ly tại nhà các trường hợp học tập, lao động ở nước ngoài trở về địa phương. Khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, tổ dân phố đã tham gia vận động các hộ kinh doanh không thiết yếu tổ chức ký cam kết không mở cửa bán hàng, không hoạt động chợ dân sinh. Cùng đó, tổ chức hỗ trợ cho những người yếu thế, lao động tự do lương thực thực phẩm… Nhờ các chi bộ hoạt động hiệu quả, phường Phương Mai đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, được Nhân dân tin tưởng, đồng lòng, chung sức dập dịch.

"Triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, quận đã thành lập nhóm zalo để kịp thời truyền tải thông tin, chỉ đạo của T.Ư, TP và quận đến các thành viên Ban Chỉ đạo của 21 phường cũng như để nắm bắt các hoạt động, tổ chức triển khai của các phường. Việc duy trì hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thông suốt từ Quận ủy xuống Đảng ủy 21 phường, từ Đảng ủy phường xuống các chi bộ ở địa bàn dân cư là yếu tố quyết định thành công trong phòng, chống dịch"- Bí thư Quận ủy Đống Đa Hà Minh Hải

Là trường hợp thuộc diện phải cách ly, chị N.T.N. ở phường Phương Mai bày tỏ sự xúc động vì thường xuyên được các bác ở tổ dân phố, khu dân cư quan tâm, giúp đỡ những việc thiết yếu hàng ngày; hỗ trợ mua giúp thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, thậm chí cả việc đổ rác. Khi thấy các bác đi kiểm tra hằng ngày, người dân đều rất yên tâm, đồng lòng chống dịch.

Bà Trần Thị Ngà - Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư số 2 kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 2 phường Phương Mai cho biết, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều người dân có tâm lý hoang mang, lo lắng. Trong công tác dân vận, người tổ trưởng dân phố phải luôn giữ được tâm lý thăng bằng cho người dân, đến từng nhà động viên, đồng thời cung cấp nhu yếu phẩm, giúp đỡ các hộ mua đồ, hướng dẫn khử trùng nhà cửa.

Một trường hợp người khuyết tật xúc động khi được cán bộ phường đến tận nhà trao tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 

“Thời điểm đó, trong khu dân cư có một trường hợp F1 liên quan bệnh nhân số 21 mắc Covid-19. Lúc đó, tâm lý người dân trong khu dân cư vô cùng hoang mang, thậm chí, nhiều hộ nghĩ rằng, cả ngõ bị phong tỏa. Chúng tôi phải đến từng nhà trong ngõ, làm công tác tư tưởng cho các hộ dân, chia sẻ thông tin trường hợp F1 chỉ tiếp xúc gần với bệnh nhân, đã được đưa đi cách ly tập trung, các trường hợp F2-3 được giám sát, cách ly tại nhà nên người dân mới cảm thấy yên tâm” - bà Trần Thị Ngà chia sẻ.

Khi đợt dịch thứ 2 xảy ra, tại phường có một số hộ dân trong tổ dân phố số 2 phải cách ly tại nhà do trở về từ Đà Nẵng, sau khi được hệ thống khu dân cư thông báo, người dân đều tự giác khai báo, tuân thủ cách ly tại nhà. Thậm chí, trong khu dân cư có trường hợp F1 phải đi cách ly tập trung, nhưng người dân cũng không còn lo lắng, luôn tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng dịch. “Có thể nói, công tác dân vận của khu dân cư, tổ dân phố chúng tôi đã thấm đến từng người dân, nên khi xảy ra đợt dịch thứ 2, người dân đều cảm thấy yên tâm, cùng đồng lòng, chung tay chống dịch”- bà Trần Thị Ngà nói.

Không chỉ ở phường Phương Mai, các cán bộ dân vận ở cơ sở chính là những người góp phần tạo nên “pháo đài chống dịch” tại địa phương. Họ chính là một trong những lực lượng trực tiếp tăng cường nắm tình hình, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội; các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình; kịp thời phát hiện, đấu tranh với các đối tượng đưa thông tin không chính xác về dịch bệnh…

"Đúng như lời dạy của Bác, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Ban Dân vận các quận, huyện, thị ủy đã có nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư và Thành ủy. Huy động đóng góp của Nhân dân, các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, qua đó “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chung sức, đồng lòng đẩy lùi “giặc” Covid-19" - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến

Hệ thống dân vận TP cũng đồng hành, vận động Nhân dân tiếp tục dừng hoạt động của các nghi lễ tôn giáo, các cơ sở dịch vụ, trừ dịch vụ thiết yếu; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19… Trong đó, phát huy vai trò của tổ trưởng tổ dân vận, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng tổ chức đoàn thể ở các thôn, tổ dân phố nhằm củng cố tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19. 

(còn nữa)