Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, Hà Nội và một số tỉnh, TP khác như TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Long An… là những địa phương triển khai gói hỗ trợ sớm nhất và tích cực nhất.
Như vậy, có thể nói, dù còn những lúng lúng, khó khăn nhất định, về cơ bản việc thực hiện chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng tới hơn 20 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg đã và đang được tiến hành nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để người dân phải chờ đợi; bảo đảm đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực, gian lận.
Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện gói hỗ trợ, đây đó vẫn còn những hiện tượng vi phạm như đưa người thân vào danh sách được nhận hỗ trợ dù không đủ tiêu chuẩn, cấp hỗ trợ cho cả người đang tập trung cải tạo, hộ cận nghèo có nhà tiền tỷ…
Đặc biệt, sự việc khiến dư luận quan tâm nhiều nhất, đó là ở một vài nơi xảy ra hiện tượng cán bộ vận động người dân trong diện được hỗ trợ làm đơn xin từ chối nhận tiền. Và cũng ở địa phương trên, nhân dịp này mới phát hiện có nơi “dồn” hộ nghèo để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Rất may là đó chỉ là những hiện tượng đơn lẻ và đã được xử lý, khắc phục, thậm chí bằng biện pháp quyết liệt như đưa những cán bộ có dấu hiệu vi phạm ra khỏi quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Có sai thì có sửa. Nhưng điều đáng suy nghĩ là những sự việc trên cho thấy một cách nghĩ, cách làm cần điều chỉnh.
Xét dưới góc độ nào đó, hành vi vận động thậm chí ép buộc người dân làm đơn là sự biểu hiện của bệnh thành tích, một căn bệnh được nhận diện và kiên quyết loại bỏ từ lâu. Trong trường hợp này có lẽ nó gây tác hại lớn hơn sự hình dung, suy nghĩ của cả người trong cuộc.
Thông thường, về căn bệnh thành tích, do nó không gây hậu quả tức thì nên ít bị chú ý, nhiều khi có thể tặc lưỡi cho qua, vì chẳng chết ai. Thực ra, về lâu về dài, tác hại của căn bệnh này không hề nhỏ, và trong trường hợp này nó ảnh hưởng đến người dân khi họ đã ở trong hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo, cận nghèo, cần được sự giúp đỡ, làm mất đi tác dụng của một chính sách, chủ trương kịp thời, nhân văn của Đảng, Chính phủ với người dân trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh. Suy cho cùng, đây cũng là một hình thức trục lợi chính sách, nhằm thỏa mãn tính háo danh, bệnh thành tích của một số cá nhân, tập thể.
Chúng ta đang ở trong thời điểm các địa phương đang tích cực hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ cho 4 đối tượng cơ bản là người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo, chuyển sang triển khai chi trả cho nhóm người lao động và hộ kinh doanh.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg có hai điều cần quan tâm.
Một là, các cấp, ngành, địa phương phải nhận thức đúng sự cần thiết phải thực hiện một cách nghiêm túc việc triển khai chi trả gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, không để xảy ra các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách như ở một số địa phương thời gian qua. Đã làm tốt, phải tốt hơn.
Hai là, cần thấy căn bệnh thành tích mà lâu nay chúng ta vẫn nhắc nhau về tác hại không hề nhỏ của nó và quyết tâm loại bỏ, vẫn có thể xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, thậm chí trong những tình huống không ngờ nhất như chuyện vận động người dân không nhận hỗ trợ hay “dồn“ hộ nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới vừa qua. Cần cảnh giác vì căn bệnh ấy phát sinh trong cả tình huống bất ngờ nhất, thậm chí “con bệnh” không nghĩ mình đang bị bệnh!
Đặc biệt cần nhớ ý kiến nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, nếu phát hiện được thì xử lý nghiêm như trường hợp gian lận. Vì như thế cũng là một biểu hiện của hành vi trục lợi chính sách!