Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cùng nhau hợp tác phòng, chống thiên tai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/12, lễ tưởng niệm nhân 10 năm xảy ra thảm họa sóng thần tại Ấn Độ Dương đã được tổ chức tại một loạt các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ… 10 năm nhìn lại, thảm họa thiên nhiên tồi tệ này vẫn là hồi chuông cảnh báo thế giới về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Với đặc trưng của vị trí địa lý, các quốc gia tại khu vực ven biển châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương nằm trong “vùng nguy hiểm” và hầu như năm nào cũng phải gánh chịu tác động lớn của thiên tai như bão, lũ, sóng thần, núi lửa phun trào… Tuy nhiên, trận sóng thần ngày 26/12/2004 đã ập đến quá bất ngờ, khiến nhiều nước không kịp di dời người dân và hậu quả là 226.000 người đã thiệt mạng, mất tích. Các đợt sóng thần cao tới 30m đã tràn vào Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka và xóa sổ nhiều cộng đồng dân cư ven biển của 14 quốc gia, gây thiệt hại về vật chất hàng chục tỷ USD.

Mặc dù sau thảm họa, nỗ lực đối phó với tác động của thiên tai đã được khẩn trương triển khai như sự ra đời của Khung hành động Hyogo (năm 2005) và hệ thống 25 trạm phát hiện và cảnh báo sóng thần sớm tại Ấn Độ Dương đi vào hoạt động hồi tháng 6/2006, tuy nhiên, nỗ lực này dường như là chưa đủ trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Tại Thái Lan – một trong 4 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 11.000 thiệt mạng, lễ kỷ niệm 10 năm tưởng nhớ Sự kiện sóng thần Ấn Độ Dương diễn ra trong 2 ngày 26 - 27/12 tại tỉnh Phang Nga. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thông điệp tới Lễ kỷ niệm này với nội dung: “Chính phủ và Nhân dân Việt Nam chia sẻ sâu sắc với Chính phủ, Nhân dân Thái Lan và các nước về những mất mát của thảm họa sóng thần cách đây 10 năm, đánh giá cao những nỗ lực to lớn khắc phục hậu quả. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau cam kết tăng cường hợp tác phòng, chống hiệu quả với thiên tai”.