Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến chống tội phạm buôn người vùng biên giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những tháng cuối năm, địa bàn Lào Cai nổi lên hoạt động của một nhóm đối tượng thanh niên là người dân tộc thiểu số, lợi dụng mối quan hệ thân tộc và sự nhẹ dạ của các thiếu nữ cùng dân tộc để dụ dỗ, lừa gạt bằng thủ đoạn yêu đương, đưa đi thăm gia đình, đưa đi chơi, sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực biên giới hẻo lánh, bắt ép đưa sang Trung Quốc bán.

Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Lào Cai tiếp tục diễn biến phức tạp.

Vì nhẹ dạ cả tin, nhiều thôn nữ trẻ đã sa chân vào đường dây của “quỷ,”, bị bán qua biên giới như “món hàng ngon.” Nhiều nạn nhân sau những ngày khổ đau nơi đất khách quê người đã may mắn được lực lượng chức năng Lào Cai giải cứu. Nhưng còn đó những mảnh đời bất hạnh vẫn tha hương nơi “tổ quỷ,” chưa về bên mái ấm cùng người thân...
 
Cuộc chiến chống tội phạm buôn người vùng biên giới - Ảnh 1

 
Đọc lệnh bắt giữ đối tượng buôn bán phụ nữ. (Nguồn: Báo Biên phòng)
 

Đường đi của “quỷ”

Những tháng cuối năm, địa bàn Lào Cai nổi lên hoạt động của một nhóm đối tượng thanh niên là người dân tộc thiểu số, lợi dụng mối quan hệ thân tộc và sự nhẹ dạ của các thiếu nữ cùng dân tộc để dụ dỗ, lừa gạt bằng thủ đoạn yêu đương, đưa đi thăm gia đình, đưa đi chơi, sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực biên giới hẻo lánh, bắt ép đưa sang Trung Quốc bán.

Các đối tượng trong đường dây buôn bán người chủ yếu là chủ kinh doanh mại dâm tại Hà Khẩu, Nàn Xi và các thành phố nội địa Trung Quốc. Đặc biệt, có một số đối tượng đã từng bị bán làm gái mại dâm, sau thời gian hoạt động, “lên đời” thành "tú bà" rồi lại lừa các cô gái trẻ dại bán sang Trung Quốc.

Ngoài ra, nhóm thanh niên người dân tộc thiểu số thích ăn chơi, đua đòi, muốn kiếm thêm tiền nên câu kết với các đối tượng cùng dân tộc ở phía ngoại biên tham gia các đường dây buôn bán người.

Nạn nhân thường là phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 15-30 ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội, pháp luật còn hạn chế, thiếu việc làm, khó khăn về kinh tế, tập trung ở địa bàn các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa (Lào Cai) và các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và các tỉnh phía nam như Đắk Nông, Tây Ninh...

Đại tá Nguyễn Văn Thái - Trưởng phòng chống tội phạm ma tuý và buôn bán người, Bộ Chỉ huy Bộ Đội biên phòng Lào Cai cho biết thủ đoạn của chúng là câu kết chặt chẽ với nhau giữa người mua và người bán, người môi giới dẫn dắt. Bọn chúng chủ động làm quen, tìm cách dụ dỗ, lừa gạt, hẹn giúp đỡ đưa đi tìm việc làm có thu nhập cao hoặc chúng lợi dụng phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số như phong tục kéo vợ của người Mông, ở rể của người Dao... để giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn, dụ dỗ nạn nhân đi thăm nhà và lừa đưa qua biên giới bán cho các chủ chứa mại dâm để khai thác, bóc lột tình dục, tổ chức các đường dây cho thuê gái vào nội địa Trung Quốc bán dâm thu lợi.

Để tránh sự phát hiện, truy bắt của cơ quan công an, Bộ đội Biên phòng, bọn tội phạm liên tục thay đổi về thủ đoạn môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng giấy thông hành qua cửa khẩu hoặc hướng dẫn để nạn nhân tự vượt biên giới, đưa nạn nhân đi sâu vào nội địa Trung Quốc, sử dụng công nghệ thông tin (mạng điện thoại di động) để chỉ đạo, thỏa thuận mua bán, vận chuyển, giao nhận nạn nhân.

Do vậy, công tác truy quét, bóc gỡ các đường dây tội phạm buôn bán người của các lực lượng liên ngành trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Nỗ lực giải cứu...

Theo tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lào Cai, trong 11 tháng năm 2012, trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã triệt phá 42 vụ, với 87 đối tượng, giải cứu 109 nạn nhân bị mua bán qua biên giới. Trong số đó, Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã xác lập và đấu tranh kết thúc thắng lợi 6 chuyên án, phát hiện, xử lý tổng số 52 vụ/67 đối tượng/71 nạn nhân. Các vụ việc xảy ra trải rộng khắp các địa bàn gồm Đồn Biên phòng Si Ma Cai, Mường Khương, Bản Lầu và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Điển hình là kế hoạch chuyên án 428T. Từ ngày 20/7-16/8, Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã phối hợp với Chi đội Công an Biên phòng Châu Hồng Hà (Trung Quốc) giải cứu thành công 3 nạn nhân bị mua bán gồm Hoàng Thị H., sinh năm 1995, dân tộc Tày, xã Phú Nhuận, Bảo Thắng, Lào Cai; Vàng Thị Ph., sinh năm 1996, dân tộc Mông, thôn Pờ Ngài Chồ 1, xã Lầu Thí Ngài, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; Phan Thị Trà M., sinh năm 1997, dân tộc Giáy, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Em Vàng Thị Ph rưng rưng chia sẻ: "Con mắt và cái dạ em tối lắm mới bị người xấu lừa qua bên kia. Những ngày dài xa gia đình, em sống như con con trâu, con hoẵng trong rừng vậy, nhục nhã tủi khổ lắm. Được các chú bộ đội cứu về, em ở với cái nương, làm rẫy giúp bố mẹ."

Đặc biệt, tháng 12/2012, chuyên án "triệt phá đường dây mua bán người từ các trường Cao đẳng dạy nghề tỉnh Lào Cai bán sang Trung Quốc" đã phát hiện, xử lý 1 vụ giải cứu 3 nạn nhân. Tuy vậy, hầu hết các nạn nhân trở về gặp rất nhiều khó khăn như gia đình ruồng bỏ, sự kỳ thị của cộng đồng, bị rối loạn thần kinh, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bị nhiễm HIV, không có việc làm hoặc việc làm thu nhập thấp.

Ông Trịnh Quang Trinh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lào Cai cho biết để công tác giải cứu những nạn nhân bị mua bán qua biên giới trở về tái hòa nhập cộng đồng thực sự có ý nghĩa, các nạn nhân cần sự đồng cảm và quan tâm của cộng đồng.

Năm 2012, Đại sứ Anh tại Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây dựng một cơ sở xã hội hóa hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã hỗ trợ tỉnh Lào Cai hơn 4 tỷ đồng xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân, với công suất tiếp nhận 50 nạn nhân/đợt; tổ chức truyền thông, đào tạo nâng cao năng lực cho 303 cộng tác viên cấp cơ sở, hỗ trợ học nghề, giáo dục kỹ năng sống, khám chữa bệnh cho 190 nạn nhân.

Từ năm 2010, tổ chức Pacificlink (Vòng tay Thái Bình) của Mỹ hỗ trợ tỉnh Lào Cai thành lập Nhà nhân ái. Đây là nơi kết nối giữa Trung tâm Hỗ trợ nạn nhân và cộng đồng để giúp đỡ những nạn nhân bị mua bán trở về ổn định tâm lý, sức khỏe, được học nghề và trang bị kiến thức, kỹ năng sống trước khi tái hòa nhập cộng đồng./.