Hôm 26/3, G20 thống nhất sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách có sẵn để hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu. Theo tuyên bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào thời điểm đó, các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển sẽ cần ít nhất 2,5 triệu USD hỗ trợ. Tuy nhiên, trong khi thế giới chứng kiến đỉnh điểm hơn 100.000 ca nhiễm mỗi ngày, G20 vẫn “bất động”, đồng nghĩa với việc không có sự phân bổ từ IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cho các nước nghèo.
Trong 6 tháng tới, G20 - tổ chức tự gọi mình là diễn đàn quốc tế hàng đầu thế giới về hợp tác kinh tế và quốc tế, hiện là trung tâm của cuộc chiến với Covid-19 tuyệt nhiên không lên bất cứ kế hoạch cho vay hay thậm chí hội họp trực tuyến nào.
Đây được cho không chỉ là sự thoái thác trách nhiệm của một tổ chức lớn của thế giới, mà có thể còn là “án tử hình” đối với những nước nghèo, hạn chế về dịch vụ chăm sóc sức khỏe và với cả những quốc gia giàu nhất đang cần để ngăn chặn một đợt bùng phát lần 2 của Covid-19.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), sự gián đoạn kinh tế và suy giảm số giờ làm việc trên toàn thế giới hiện tương đương với việc “đánh bay” hơn 300 triệu việc làm toàn thời gian. Lần đầu tiên trong thế kỷ này, nghèo đói toàn cầu đang gia tăng và kết quả cải thiện mức sống của 3 thập kỷ qua hiện đang bị đảo ngược.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới, sẽ có thêm 420 triệu người nữa rơi vào tình trạng nghèo đói, 265 triệu người phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi gần như không có nguồn tài chính dự phòng nào để điều động. Không mấy ngạc nhiên khi hơn 100 quốc gia hiện đã nộp đơn xin IMF hỗ trợ khẩn cấp.
Sự vắng mặt của G20 càng đáng thất vọng hơn khi phản ứng toàn cầu đối với đại dịch trong tháng này đã chuyển từ giai đoạn đầu tiên - chiến dịch giải cứu - sang giai đoạn phục hồi toàn diện - mà cốt lõi của nó là cần có sự kích thích, phối hợp với một kế hoạch tăng trưởng ở mức độ toàn cầu như đã thống nhất.
Trong bức thư gửi G20 hôm nay (2/6), một nhóm gồm 200 cựu lãnh đạo đã lưu ý rằng các nước nghèo nhất cần viện trợ quốc tế trong vòng vài ngày, chứ không phải vài tuần hay vài tháng. Giảm nợ được cho là cách nhanh nhất để hiện thực hóa điều này. Chẳng hạn khu vực châu Phi cận Sahara đến nay đã chi tiêu nhiều hơn cho việc trả nợ hơn là cho chăm sóc sức khỏe. Khoản nợ 80 tỷ USD của 76 quốc gia nghèo nhất này nên được miễn cho đến ít nhất là tháng 12/2021.
Tuy nhiên, các nước nghèo được cho cũng cần hỗ trợ tiền mặt trực tiếp. IMF có thể sử sụng quỹ dự trữ 35 tỷ USD của mình, trong khi các ngân hàng phát triển nên thông báo rằng họ đã sẵn sàng để bơm thêm tiền.
Và tương tự cách thế giới đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 - phát hành tiền mới - các nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức đã tạo ra một khoản để cho các nước nghèo hơn vay, và nếu IMF đồng ý, 500 tỷ USD có thể được phát hành ngay lập tức và sau đó thêm 500 tỷ USD vào năm 2022.
Sứ mệnh này sẽ không có sự tham gia của châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh và gần như toàn bộ châu Á, nghĩa là sẽ chỉ đại diện cho 2 tỷ/7 tỷ người trên thế giới. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, tại những thời điểm quan trọng của khủng hoảng, thế giới đòi hỏi khả năng lãnh đạo táo bạo và sự đoàn kết.
Vì vậy, đây là thời điểm mà G20 cần một hội nghị thượng đỉnh sớm, ngăn chặn những điều có thể trở thành thất bại chính sách kinh tế và xã hội toàn cầu lớn nhất một thế hệ.