Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến hàng nội, hàng ngoại

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuộng hàng ngoại là xu hướng không còn xa lạ với người Việt trong vài năm trở lại đây. Các con số thống kê hàng năm đều chỉ ra nhu cầu sử dụng hàng nhập đang tăng và theo hướng ngày càng nhanh.

 Khách chọn mua hàng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng ngoại
Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%). Công bố của Nielsen chỉ rõ, có tới 56% người Việt sẵn sàng chi tiền để mua hàng hiệu… Khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao 2018 cũng cho thấy chỉ sau một năm, tỷ lệ người tiêu dùng Việt yêu thích và thường mua sản phẩm trong nước đã giảm lần lượt 18% và 22%, chỉ còn 60% và 70%.

Không chỉ các sản phẩm có giá trị cao như hàng điện tử, thời trang, các mặt hàng tiêu dùng thương hiệu ngoại cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Trung bình cứ 10 người mua bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp và đồ uống không cồn thì khoảng 4 người lựa chọn sản phẩm nhập khẩu. Khảo sát này được Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tiến hành trên quy mô toàn quốc, thu thập hơn 16.000 ý kiến phản hồi.

Đáng chú ý, ngay cả trái cây, người tiêu dùng cũng sính dùng hàng xách tay, dù giá rất cao. Cherry của Australia giá dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/kg tùy mùa, tùy loại trái to hay nhỏ. Táo Australia 180.000 đồng/kg. Nho đen không hạt của Nhật 500.000 đồng/kg. Sữa, váng sữa, bột ngũ cốc, pho mát... là các mặt hàng được quảng cáo hàng xách tay nhiều nhất. Việc hàng trăm người xếp hàng dài chờ được vào mua hàng nhân ngày khai trương nhãn hàng thời trang H&M, Zara… cho thấy “cơn sốt “ hàng ngoại đang lan rộng.

Thương hiệu yếu, thiếu kết nối cung - cầu

Tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập có xu hướng tăng là dấu hiệu đáng lo ngại đối với DN trong nước. Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Thuế suất nhập khẩu bằng 0 và hệ thống bán lẻ của DN ngoại phát triển đang khiến hàng ngoại dần lấn sân trên thị trường Việt Nam. Do đó, hàng sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu ngay trên “sân nhà”.

Trên thực tế năng lực và chất lượng sản phẩm Việt đã có nhiều thay đổi tích cực. Thương hiệu Việt đang tạo ra những sản phẩm chất lượng tương đương sản phẩm của các thương hiệu nhập ngoại với mức giá rất ổn. Tuy vậy, tâm lý “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng Việt Nam được chỉ ra là do người Việt chưa thực sự tin vào hàng Việt. Như trường hợp một chiếc khăn hai nhãn mác của thương hiệu Khaisilk, cà phê pin, thuốc than tre... N
hiều DN Việt làm ăn không minh bạch và thiếu chân chính đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt. Hay những thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với mức độ rủi ro nhiều hơn bởi nạn hàng giả, hàng nhái. “Hàng Việt chưa được đánh giá cao vì chúng ta chưa xây dựng thương hiệu tốt, mẫu mã kém bắt mắt, thiếu bảo hộ sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý" - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan chia sẻ.

Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, đã đến lúc phải thay đổi tâm thế, chuyển cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Đó cũng là điều thường thấy ở các nền kinh tế tiên tiến luôn coi trọng thị trường quốc nội, ưu tiên phục vụ chính những người dân của mình. Hàng Việt nếu coi đây là cơ hội, đầu tư vào thương hiệu, hình ảnh, nâng cao dịch vụ, tập trung vào chất lượng sản phẩm và chăm sóc khách hàng thì vẫn có nhiều cơ hội cạnh tranh và giữ vững thị trường.
Các nghiên cứu về hành vi mua hàng trong điều kiện không có thông tin chắc chắn về sản phẩm cho thấy người tiêu dùng thường sẽ dựa trên “niềm tin” vào thương hiệu sản phẩm (brands, bao gồm cả thương hiệu cá nhân của chủ DN) và xuất xứ quốc gia (Country of Origin, COO). Hàng sản xuất tại đâu, nhưng một khi đã nhập khẩu vào nước sở tại, đều phải đáp ứng 100% tiêu chuẩn đầu vào của họ. Số thương hiệu Việt có thể đáp ứng điều này rất ít do chất lượng, uy tín, mẫu mã… của hàng Việt Nam vẫn còn những hạn chế.