Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội đan xen thách thức

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất - nhập khẩu, xuất - nhập siêu trong 5 tháng đầu năm 2019 giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc cho thấy đây là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Cuộc chiến bất định
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra đã gần một năm và vẫn còn bất định (cả về quy mô, thời gian...). Cuộc chiến này đã lan sang lĩnh vực công nghệ và được dự đoán sẽ lan sang lĩnh vực tài chính - tiền tệ cũng như nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Những cuộc chiến tranh này dẫn đến thời cơ và thách thức cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam (cả về quy mô, phạm vi và mức độ, cả về ngắn hạn và dài hạn...). Việt Nam có biên giới rộng, dài với Trung Quốc, có quy mô tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu lớn nhất (nhập khẩu đứng thứ nhất với trên 28,2% tổng kim ngạch nhập khẩu chính ngạch, nếu tính cả tiểu ngạch thì còn cao hơn nữa; xuất khẩu đứng thứ 2 với gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
 May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Công Hùng
Trung Quốc nằm trong Top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, riêng 5 tháng đầu năm 2019 nằm trong Top 4. Trung Quốc là quốc gia có số khách đến Việt Nam đông nhất, chiếm tới 28% tổng số. Đó là chưa kể nhiều mối quan hệ lâu đời và quan trọng về nhiều mặt khác.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai, trong đó xuất khẩu đứng thứ nhất (chiếm khoảng 20% tổng số), nhập khẩu không nhỏ và xuất siêu lớn nhất trong các thị trường; vốn đầu tư trực tiếp nằm trong Top 10. Lượng khách quốc tế đông thứ 5 trong các nước và vùng lãnh thổ. Số lượng Việt kiều ở Mỹ đông nhất, có lượng kiều hối lớn nhất và nhiều mối quan hệ quan trọng về nhiều mặt khác.
Xu hướng chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam
Thời cơ được xét trên một số mặt chủ yếu. Mặt thứ nhất là xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ khó khăn khi thuế xuất vào Mỹ bị áp ở mức cao (có thông tin xuất khẩu vào Mỹ bị giảm tới 27,5%). Điều này sẽ tạo điều kiện để hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ thế chân (4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng tới 29,1%, hay tăng tới 4029,4 triệu USD, trong đó hàng dệt may 4421,2 triệu USD, tăng gần 400 triệu USD...)
Mặt khác, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc hoặc các nhà đầu tư Trung Quốc có xu hướng chuyển vốn sang đầu tư tại Việt Nam để “né thuế” xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 5 tháng đăng ký đạt 16,74 tỷ USD, tăng tới 69,1% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm trước.
Vốn giải ngân đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8%. Vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc đạt 2,02 tỷ USD, đứng thứ 4 trong các nước và vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư đăng ký, nhưng đứng thứ nhất về vốn đăng ký mới. Đáng chú ý, có một số dự án của các nước và của bản thân Trung Quốc đã và sẽ được dịch chuyển sang Việt Nam để tranh thủ thời cơ đẩy nhanh xuất khẩu vào Mỹ khi chiến tranh thương mại còn bất định về quy mô, thời gian; để tranh thủ thuế xuất giảm thiểu khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước.
Thách thức không nhỏ
Do hàng xuất khẩu vào Mỹ của Trung Quốc gặp khó khăn nên số hàng hóa này sẽ được Trung Quốc sử dụng theo 2 hướng. Một hướng là sử dụng trong nước; trong đó hàng xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị giảm. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2019 đạt 13,4 tỷ USD, giảm 2,6%, hay giảm 0,4 tỷ USD so với cùng kỳ.
Cùng với hướng này là sự giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ làm cho xuất khẩu có lợi; nhập khẩu bị hạn chế. Một hướng khác là Trung Quốc sẽ đưa các hàng hóa này xuất khẩu sang các nước, trong đó có Việt Nam - một thị trường gần, có biên giới rộng, dài với Trung Quốc. Theo đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 29,6 tỷ USD, tăng 18,9%, hay tăng 4,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Cả hai hướng đó đã làm cho nhập siêu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước (16,2 tỷ USD so với 11,1 tỷ USD).
Chính mức nhập siêu từ Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm trước đã góp phần làm cho cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với nước ngoài 5 tháng đầu năm nay ngược chiều so với cùng kỳ năm trước (nhập siêu 548 triệu USD so với xuất siêu 2.585 triệu USD). Cán cân thanh toán của Việt Nam sau nhiều năm thặng dư và dự trữ ngoại hối đã đạt mức kỷ lục (65,5 tỷ USD), nhưng nếu nay do chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu, cùng với giá đồng NDT giảm mạnh (từ 6,5 NDT/1 USD xuống còn 7 NDT/1 USD, giảm 7,7%), thì không những không tăng, mà còn bị giảm khiến Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra để can thiệp, nhằm hạn chế sự giảm giá của VND so với USD, để tránh sự lên giá của VND so với NDT, tránh sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, cũng như sự gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc.