Từng đảm nhiệm viết kịch bản nhiều chương trình kỷ niệm lớn, nên điều mà NSND Lê Ngọc Cường ấp ủ lần này là nét mới và sự hấp dẫn. Ông đã xây dựng ý tưởng để Việt Nam có được một chương trình khiến thế giới phải trầm trồ như dịp kỷ niệm Quốc khánh ở Singapore, hoặc chương trình nghệ thuật chào mừng Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc), Olympic Shochi (Nga)…
Bên cạnh lễ mít tinh kỷ niệm, công chúng rất quan tâm đến chương trình diễu hành nghệ thuật “Việt Nam - Khát vọng hòa bình”. Ông có thể cho biết, với sự tham gia của khoảng 2.500 nghệ sĩ, bức tranh nghệ thuật về văn hóa xã hội của Việt Nam được vẽ lên như thế nào?
- Chương trình diễu hành nghệ thuật được chia làm 2 phần. Phần đầu gồm 8 xe mô hình biểu tượng cho 8 thời đại thịnh trị trong lịch sử Việt Nam: Văn Lang gắn với vua Hùng, nhà nước Âu Lạc gắn với tên tuổi An Dương Vương, nhà nước Vạn Xuân gắn với tên tuổi Lý Nam Đế, nhà nước Đại Cồ Việt gắn với vua Đinh Tiên Hoàng, qua triều đại Lý, rồi đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976) cho đến nay. Đi cùng và trên mỗi đoàn xe đều có nghệ sĩ, nghệ nhân trong trang phục các thời kỳ.
Chương trình nghệ thuật "Lá cờ độc lập" tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tối 30/8.
Phần hai của chương trình sẽ tôn vinh các hành trình văn hóa, là các đoàn biểu diễn gồm các khối nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện cho di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Đi đầu là các nghệ nhân Phú Thọ đại diện cho văn hóa người Việt trình diễn đâm đuống, trống đồng, hát xoan.
Tiếp theo, nghệ nhân Bắc Ninh với dân ca quan họ. Người Gia Lâm (Hà Nội) trình diễn nghi lễ hội Gióng… Khối nghệ thuật truyền thống như: rối, chèo, tuồng, cải lương… cũng được tôn vinh. Các nghệ nhân sẽ quay về lễ đài trình diễn một phút rồi tiếp tục đi, trình diễn theo hành trình diễu hành.
Xây dựng kịch bản diễu hành sẽ không phải là khó đối với một đất nước giàu truyền thống văn hóa và di sản như Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nói, nhiều chương trình diễu hành nghệ thuật trước đây rất khô cứng. Ông có ý tưởng nào để tạo sự hấp dẫn cho chương trình đặc biệt quan trọng diễn ra vào sáng 2/9 trước Quảng trường Ba Đình không?
- Tôi thừa nhận diễu hành nghệ thuật diễn ra ban ngày, làm không khéo rất phô. Tuần vừa rồi, tôi liên tục họp với ê kíp thực hiện, thậm chí chạy ra cả thực địa biểu diễn để sát sao từng mô hình, đạo cụ. Tôi yêu cầu mô hình phải lung linh, rực rỡ, không được như hàng mã. Phần diễu hành của các cơ quan công sở, đại diện các bộ, ngành có thể khô cứng, nhưng diễu hành nghệ thuật phải tạo dấu ấn, không thể giơ tay cầm nón vẫy chào thì không cần mất nhiều công xây dựng.
Bên cạnh chương trình “Việt Nam – Khát vọng hòa bình”, vào 20 giờ ngày 2/9 là chương trình nghệ thuật đặc biệt của Nhà nước chào mừng ngày Quốc khánh: “Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh”. Với vai trò người viết kịch bản, ông có thể cho biết chương trình này có gì đặc biệt, xứng tầm nghệ thuật chào mừng 70 năm?
- Đây là chương trình bán sử thi gồm 5 trường đoạn, được liên kết xuyên suốt thông qua hình thức nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu, phối hợp với lời dẫn, video clip… Chương trình nhằm khái quát một chặng đường đấu tranh cách mạng cam go, khốc liệt, anh dũng, kiên trung nhưng rất tự hào của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng thời nêu bật những thành công to lớn của Nhân dân ta đã đạt được trong thời kỳ đổi mới.
Cách thức thể hiện của chương trình ngắn gọn, không mang tính kể lể, chọn các mốc son kết cấu lại. Trước khi làm, tôi đã trao đổi với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, từ trước đến nay ta tôn vinh các nhân vật lịch sử, nguyên thủ, tiền bối nhiều rồi. Chúng ta cũng không ôn nghèo kể khổ quá nhiều, không nhấn quá khứ nhiều, mà nhấn mạnh ở giai đoạn đổi mới. Nói được ngày nay tự khắc nói quá khứ, nhưng nhiều khi thói quen tư duy nghệ thuật không có quá khứ không có ngày nay.
Trong kịch bản, tôi đặt vấn đề lướt qua, tôn vinh được 30 năm về sau này, đặc biệt thời kỳ đổi mới. Hình tượng ông Kim Ngọc đưa khoán hộ về nông thôn làm mới cho bộ mặt nông thôn, bác Nguyễn Văn Linh kiên định đổi mới. Tôi lấy hai hình tượng tạo thành giai đoạn bao cấp vòng tròn kim cô giằng xé nhau, tự trói buộc nhau để khi có ánh sáng đổi mới cắt ngang qua vòng kim cô đó, lập tức đất nước như được cởi thoát.
Năm nay dù là chương trình kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhưng tôi mong muốn làm một chương trình mang tính nghệ thuật, không chính trị khô cứng. Tôi sợ nhất kiểu sân khấu không có hình tượng gì, chủ yếu là đọc lời bình. Dù không đi đầy đủ các sự kiện, nhưng thông qua một số lời bình văn học và thủ pháp nghệ thuật, các bức tranh tiến trình 70 năm vẫn gắn kết với nhau.
Ngoài nội dung, ông có thể cho biết chương trình còn có hình thức thể hiện nào mới mẻ?
- Theo dự kiến ban đầu, “Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh” diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình, nhưng lo ngại thời tiết và tốn kém về không gian sân khấu rộng nên đã đổi về Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Tại sân khấu này, tôi thấy rất lợi về mặt áp dụng công nghệ, kỹ xảo ánh sáng. Tôi đã từng xem chương trình kỷ niệm Quốc khánh của Singapore, Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, rồi Olympic Shochi (Nga)… đều thành công ở công nghệ. Nên khi làm chương trình này, tôi đặt vấn đề Việt Nam chưa có chương trình nào kết hợp âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo màn hình lớn như vậy. Chương trình muốn mới, hấp dẫn, không nhàm chán, khô cứng thì phải kết hợp kỹ nghệ hiện đại. Như tôi cảm nhận, Bộ VHTT&DL rất tâm huyết, nên đồng tình với ý tưởng của chúng tôi.
Hiện nay, Bộ đã thuê một số nghệ sĩ, công ty giỏi, có máy móc tốt, quay kỹ xảo hiện đại, thực hiện công nghệ biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để cùng với nghệ sĩ phía Bắc xây dựng chương trình này. Tôi tin “Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh” là một “cuộc chơi” nghệ thuật đích thực của các nghệ sĩ Việt Nam, cống hiến cho công chúng một chương trình nghệ thuật kỷ niệm nhưng đầy dấu ấn.
Xin cảm ơn ông!