Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc “di cư” của các cửa hàng bánh Trung Thu: Lực lượng chức năng làm ngơ?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi TP Hà Nội nói không với việc kinh doanh bánh Trung thu trên vỉa hè, nhiều DN đã chuyển hướng đến các khu chung cư, khu đất dự án chậm triển khai. Có thể nói, việc làm này đã hạn chế được phần nào tình trạng ùn ứ, mất ATGT. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, những ưu điểm trên chỉ là biện pháp “đánh bùn sang ao”, rủi ro, nguy hiểm vẫn hiện hữu ở những cuộc “di cư” nói trên.

Cửa hàng bán bánh Trung thu trên phố Dương Đình Nghệ. Ảnh: Công Trình
Muôn kiểu đối phó
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này, so với trước, tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh bánh Trung thu đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thay vì lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, các DN đã chuyển hướng đến ô đất trống thuộc các dự án chậm triển khai, phần diện tích sử dụng chung của các khu đô thị, nhà chung cư…

Đơn cử như trước cổng tòa nhà Royal City (đường Nguyễn Trãi), tòa nhà 34T (đường Hoàng Đạo Thúy), tòa nhà 335 (đường Cầu Giấy)… đến thời điểm này, phần lớn những vị trí đắc địa nhất đã được các “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu thâu tóm.
Không chỉ đổ bộ vào các tòa nhà chung cư, hiện nhiều DN đã và đang hướng đến các khu đất dự án chưa, chậm triển khai. Cụ thể, theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số ô đất trên đường Dương Đình Nghệ, khu vực số 48 đường Trần Duy Hưng… một số cơ sở cũng đã kịp đặt “chi nhánh” để trưng bày, giới thiệu và kinh doanh bánh Trung thu từ sáng đến đêm cách đây nhiều ngày.

Đáng nói, bên cạnh những cuộc “di cư”, đến thời điểm này, tại một số khu vực như nút Nguyễn Đức Cảnh – Đền Lừ, đường Chu Văn An, đoạn giáp với làng Lụa Vạn Phúc… một số “ông lớn” như Hữu Nghị, Hải Hà, Bibica, Kinh đô vẫn thản nhiên chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh phớt lờ các quy định, gây cản trở, mất ATGT.

Địa phương tiếp tay cho vi phạm?

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, lãnh đạo một số phường khi được hỏi cho rằng, rất khó để xử lý những vi phạm nói trên. Theo lý giải của một số lãnh đạo phường, phần diện tích các DN bánh Trung thu thuê, dựng ki ốt để tổ chức kinh doanh là đất thuộc quản lý của các tòa nhà, không phải là đất công hay đường giao thông, nên việc kiểm tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tất cả các cơ sở trên dù kinh doanh thời vụ ở vị trí nào, từ khuôn viên các tòa nhà, đến các ô đất dự án chậm triển đều có vi phạm, vấn đề là các lực lượng chức năng có muốn kiểm tra, xử lý hay không. "Tất cả các DN sản xuất bánh Trung thu đều có Giấy phép kinh doanh. Song, khi dựng ki-ốt tạm kinh doanh tại các địa điểm kể trên, họ phải có Giấy phép kinh doanh tại địa điểm đó. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các cơ sở trên đều không đáp ứng được yêu cầu này" - một chuyên gia nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia này, ngoài việc vi phạm quy định về Giấy phép kinh doanh, vị trí các ki ốt được dựng lên cũng là lý do mà các lực lượng chức năng có thể kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, đối với các diện tích sử dụng chung tại các tòa nhà chung cư, khu đô thị, việc cho thuê mặt bằng để dựng ki ốt phải có sự đồng thuận bằng văn bản của Ban Quản trị tòa nhà, hoặc người dân tại những tòa nhà chưa thành lập được Ban Quản trị… điều mà không phải cửa hàng nào cũng đáp ứng được.