Khai thác những dữ liệu nhạy cảm hoặc lợi dụng các hệ thống mạng để truyền bá những tư tưởng xuyên tạc, lực lượng tin tặc đang ngày càng “chuyên nghiệp” trong việc nhiễu loạn các sự kiện, quan hệ chính trị trên thế giới. Cuộc bầu cử Mỹ là một “nạn nhân” nhãn tiền. Vừa qua, việc công bố hơn 19.000 email nội bộ đảng Dân chủ đã gián tiếp gây chia rẽ mạnh mẽ trước thềm đại hội toàn quốc của đảng này. Những người ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tức giận khi nội dung email minh chứng sự thiên vị đối với ứng viên Hillary Clinton. Sau đó không lâu, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, một “virus gián điệp” đã xuất hiện trong hệ thống mạng của khoảng 20 cơ quan, tổ chức chính quyền Moscow. Gần đây, mâu thuẫn giữa hai miền Triều Tiên cũng liên tục bị khơi dậy sau khi Seoul cáo buộc các gián điệp Bình Nhưỡng xâm nhập dữ liệu của các quan chức quốc phòng nước này.
Tình trạng tin tặc lộng hành cũng xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm của vụ kiện “đường chín đoạn”. Tờ Diplomat thống kê, vài giờ sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung Quốc, ít nhất 68 website Chính phủ và địa phương Philippines bị tấn công. Các vụ tấn công sau đó còn kéo dài vài ngày, nhằm vào các cơ quan chính phủ trọng yếu như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng T.Ư, và Văn phòng Tổng thống Philippines. Trước khi PCA ra phán quyết, Anni Piiparinen - chuyên gia của chương trình “Sáng kiến Quản lý Không gian mạng” thuộc Hội đồng Đại Tây Dương đã dự đoán, Philippines và đồng minh Mỹ nên bắt đầu chuẩn bị cho một cơn giận dữ của “tin tặc yêu nước” Trung Quốc, nếu phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh. Ngoài Philippines, Việt Nam cũng là mục tiêu của tin tặc. Chiều 29/7, các màn hình hiển thị thông tin chuyến bay cùng hệ thống phát thanh của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ bị chèn nội dung kích động, xuyên tạc về Biển Đông, xúc phạm Việt Nam và Philippines. Cùng thời điểm, website của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng bị thay đổi nội dung, để lại thông báo là nhóm hacker 1937cn của Trung Quốc đã thực hiện nội dung này. Nhóm này sau đó bác bỏ việc liên quan tới vụ tấn công tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhưng không đề cập tới sự cố của Vietnam Airlines. Hiện, chưa rõ những cuộc tấn công này có liên quan tới tin tặc Trung Quốc hay không. Nhưng chuyên gia Piiparinen khẳng định, trong thời gian căng thẳng tranh chấp chủ quyền, tin tặc thường xuyên tham gia vào các cuộc tấn công, và gần như không thể phân biệt được sự khác nhau trong các cuộc tấn công cá nhân với chiến dịch từ đơn vị mạng của Chính phủ. Những cuộc tấn công này cho thấy thách thức mới mà chính quyền các quốc gia phải đối diện. Đó là những cuộc đối đầu đang dần chuyển từ thực địa trực diện sang không gian mạng, qua đó tiềm ẩn những thiệt hại khó lường và khó định lượng.
Tin tặc ngày càng lộng hành gây nguy hại đến an ninh mạng của nhiều tổ chức và Chính phủ trên thế giới. |