Khi đơn đặt hàng máy phát điện dự phòng tăng vọt ở Ukraine, công ty Aksa Power Generation của Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một quản lý đến Kiev. Tuy nhiên, công việc của Salih Komurcu không chỉ là giám sát hoạt động kinh doanh hiện tại ở đất nước bị chiến tranh tàn phá mà còn về kịch bản tái thiết Ukraine trong tương lai.
Tình hình ở tiền tuyến hiện vẫn chưa lắng xuống. Những thất bại của Ukraine đã khiến tâm trạng ở Kiev trở nên u ám trong thời gian gần đây. Tuy nhiên một nhóm các doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng gia tăng hiện diện trên thực địa với triển vọng về cơ hội đầu tư sau khi chiến sự kết thúc.
Các chính phủ, giám đốc điều hành và nhà đầu tư đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tái thiết mà Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (ECB) ước tính có thể lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD vốn công và tư. Được điều chỉnh theo lạm phát, con số này lớn hơn gấp 5 lần so với Kế hoạch Marshall do Mỹ tài trợ.
Nhìn vào hoạt động tái thiết trên khắp Ukraine - ngay cả khi giao tranh đã bước sang năm thứ ba - sẽ cho ta ý tưởng về nỗ lực quy mô lớn có thể trông như thế nào.
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang khôi phục cầu đường, đồng thời cung cấp máy phát điện và bệnh viện di động, với hy vọng giành được lợi thế khi cuộc cạnh tranh giành các hợp đồng giá trị lớn đang diễn ra.
Nhìn xa hơn, các công ty Đức và Áo đang lên kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng và quốc phòng, JPMorgan Chase & Co. đang chờ các nhóm làm việc để “lập kế hoạch trước dự án”, trong khi Đan Mạch cho đến nay đã tài trợ 120 triệu euro (130 triệu USD) để xây dựng lại trung tâm đóng tàu của Mykolaiv.
Komurcu, đại diện của Aksa tại thủ đô Ukraine kể từ tháng 11 cho biết: “Các công ty đều đang xây dựng mạng lưới kết nối của mình. Chúng tôi kỳ vọng Aksa phải ở trung tâm trong quá trình này.”
Việc tái thiết diễn ra sẽ cho thấy hình dáng của một Ukraine trong tương lai. Hàng tỷ USD được dự kiến chi cho phần lớn đất nước do chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky kiểm soát, nhưng khoảng 18% diện tích Ukraine hiện đang bị lực lượng Nga nắm giữ.
Bản đồ Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc Kiev lấy lại bao nhiêu lãnh thổ, cũng như thời điểm và địa điểm mà hơn một phần tư dân số trước chiến tranh của đất nước sẽ chọn sinh sống. Khoảng 3,7 triệu công dân vẫn đang sơ tán trong nước, gần 6,5 triệu người tha hương ra nước ngoài và hàng triệu người khác sống dưới sự kiểm soát của Nga.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko, ước tính khoảng 156.000 km2- một khu vực rộng gần gấp đôi diện tích của Áo - đã bị ảnh hưởng bởi bom mìn và vật nổ.
Vì những lý do đó, những người phụ trách dự án tái thiết ở Ukraine cho biết chưa thể vẽ nên bức tranh cụ thể một khi chiến tranh kết thúc.
Hiện tại, Ukraine đang phải vật lộn để có được viện trợ nhằm hỗ trợ nỗ lực chiến tranh đang suy yếu chứ chưa nói đến việc xây dựng lại đất nước. Một bước đột phá xảy ra vào đầu tháng 2 khi Hungary ngừng phản đối gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro của EU.
Nhưng trên thực tế, công việc đang được thực hiện để duy trì hoạt động của đất nước cũng như chuẩn bị cho công cuộc tái thiết. Các công ty năng lượng Ukraine đã khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hại và công ty nông nghiệp khôi phục các hầm chứa cũng như tuyến đường trung chuyển.
Nhà sản xuất thép lớn nhất nước, Metinvest BV, ước tính một khi quá trình tái thiết quy mô lớn bắt đầu, sẽ cần khoảng 3,5 triệu tấn thép để khôi phục nhà ở và cơ sở hạ tầng xã hội trong vòng 5 đến 10 năm. Doanh nghiệp này cho biết họ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó.
Các công ty Đức đang theo dấu chính phủ, hỗ trợ song phương cho Ukraine. Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall AG đã công bố kế hoạch thành lập một liên doanh ở Ukraine vào tháng 2 để sản xuất loại đạn pháo 155 mm đang có nhu cầu cao. Nhà sản xuất vật liệu xây dựng Fixit đã xây dựng một địa điểm sản xuất mới ở phía Tây Ukraine kể từ năm ngoái, trong khi công ty hóa chất Bayer AG đã công bố đầu tư vào sản xuất hạt giống.