Cuối năm “ma men” lộng hành, nguy cơ lớn khi Tết cận kề

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn lái xe vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử phạt. Con số trên cho thấy vấn nạn “ma men sau tay lái” đang lộng hành trở lại và ngày càng “nóng” vào dịp cuối năm.

Cuối năm, tình trạng vi phạm nồng độ cồn có dấu hiệu gia tăng mạnh.
Cuối năm, tình trạng vi phạm nồng độ cồn có dấu hiệu gia tăng mạnh.

“Ma men” tăng mạnh vào kỳ nghỉ lễ, cuối năm

Đầu năm 2022, Bộ Công an ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.

Đáng chú ý, trong nội dung kế hoạch nêu rõ, Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT thuộc Cục và CSGT công an các đơn vị địa phương huy động trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” trong cả năm 2022.

Tuy nhiên, càng vào thời điểm cuối năm, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn càng có dấu hiệu tăng mạnh. Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, sau 2 tuần thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 15/11 - 29/11), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 19.888 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. So với cùng thời gian trước khi thực hiện cao điểm tăng 2.468 trường hợp (tăng 14,2%).

 

Cần ứng dụng công nghệ trong việc làm cơ sở để cơ quan chức năng xử lý. Các quán rượu bia có thể lắp camera để giám sát tất cả người vào quán uống rượu bia, từ quán ra mà lái xe đi chỉ 1-2m là có thể phạt nguội. Không chỉ dựa vào camera tại các hàng quán, cơ quan chức năng cần lắp đặt camera giám sát để trích xuất làm cơ sở để xử lý vi phạm, nâng cao tính giáo dục, chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, TS Khương Kim Tạo

Trước đó, khi Bộ Công an thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông vào cuối tháng 6/2022, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý cũng tăng vọt. Chỉ sau một ngày thực hiện cao điểm (từ 20/6 đến 21/6/2022), lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 636 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Riêng TP Hà Nội, sau 3 tháng thực hiện cao điểm (từ 20/6 đến 20/9/2022) đã có hơn 7.300 trường hợp “ma men” bị lực lượng chức năng TP phát hiện và xử phạt. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2022 kéo dài 4 ngày nhưng số trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn bị CSGT cả nước xử phạt lên tới hơn 8.800 trường hợp.

Những con số thống kê liên quan đến số lượng tài xế vi phạm nồng độ cồn như trên là rất đáng báo động. Điều đáng nói, dù đã có chế tài xử lý nghiêm, song tình trạng tài xế uống rượu, bia lái xe gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông vẫn gia tăng. Đặc biệt, càng vào những ngày nghỉ lễ, tỉ lệ vi phạm nồng độ cồn càng có dấu hiệu tăng mạnh.

Cần có chế tài ngăn chặn vấn nạn sử dụng rượu bia khi lái xe từ "đầu nguồn".
Cần có chế tài ngăn chặn vấn nạn sử dụng rượu bia khi lái xe từ "đầu nguồn".

Cần chế tài mạnh từ “đầu nguồn”

Giới chuyên môn nhìn nhận, thói quen sử dụng rượu, bia vào những ngày lễ, Tết chính là nguyên nhân khiến vấn nạn “ma men sau tay lái” vẫn còn nhức nhối. Đã đến lúc cần có chế tài mạnh hơn để loại bỏ thói quen xấu này.

Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, để ngăn chặn vấn nạn “ma men sau tay lái” cần phải có chế tài mạnh từ “đầu nguồn”. Một trong những chế tài “đầu nguồn” hiện nay là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Tuy nhiên, nhiều quy định trong luật còn chưa đủ mạnh.

Đơn cử như quy định về quảng cáo đồ uống có cồn, giảm thiểu khả năng tiếp cận với người trẻ thông qua thuế, phí hay quy định trách nhiệm của người uống, đặc biệt của người bán, các chủ quán nhậu đã được đề cập, nhưng ý thức chấp hành của người dân vẫn còn thấp.

“Ở các nước phát triển, họ có quy định rất khắt khe về độ tuổi khách hàng được phép mua rượu, bia, đồ uống có cồn. Nếu cửa hàng nào bán cho người không đúng độ tuổi sẽ bị xử phạt rất nặng” – luật sư Bùi Đình Ứng cho hay.

Với chế tài xử phạt hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, dù chế tài xử phạt hiện tương đối cao nhưng vẫn có những điểm chưa phù hợp nên chưa phát huy được tính răn đe.

Chuyên gia này lấy ví dụ những trường hợp đi xe máy vi phạm nồng độ cồn nhưng mức phạt cao song  giá trị xe thấp hoặc ngang bằng mức phạt, họ sẵn sàng bỏ xe, không nộp phạt. Do đó, chế tài phạt tiền cao chưa chắc đã đảm bảo được tính răn đe.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn  -  Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho rằng, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các nước phát triển về cách xử lý đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Một trong những cách được nhiều nước áp dụng là xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất an toàn giao thông theo lộ trình từ thấp đến cao căn cứ theo mức độ vi phạm từ nhẹ đến nặng. Trước hết, họ sẽ xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù người vi phạm. 

“Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm một số nước để bổ sung, sửa đổi luật theo hướng khi lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích. Thậm chí có thể bị xử lý hình sự khi vi phạm nồng độ cồn dù chưa gây hậu quả” – chuyên gia Vũ Anh Tuấn cho hay.

 

“Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, tước giấy phép lái xe, nếu người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ ở mức cao nhất định có thể phạt tù, lao động công ích để đảm bảo tính răn đe. Thực tế, những người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn nếu chỉ phạt tiền thì họ hoàn toàn có thể tái phạm, nhưng phạt tù và lao động cải tạo công ích thì chắc chắn rất ít tái phạm. Luật cần có tính răn đe với người vi phạm”.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần