Với cảnh đội mưa, xếp hàng từ tờ mờ sáng đến 12 giờ trưa để mua được tấm vé vào xem trận Việt Nam – Malaysia, trong lúc đó không thiếu những màn xô nhau, thậm chí nặng lời theo cách “đàn anh đàn chị”..., không khỏi khiến nhiều người hâm mộ chán ngán. Trước cửa sân vận động Mỹ Đình ngày cuối tuần, mạnh ai người đó chen, không có chuyện đàn ông nhường phụ nữ, người không đủ sức thì bỏ cuộc, có người cố bám đu lên hàng rào sắt để hít khí trời rồi xếp tiếp. Có được tấm vé vào xem trận bóng mà khổ và mệt như đi đấu vật.
Ngước sang nước bạn, với thông tin truyền về từ các phóng viên thể thao của Việt Nam, là cảnh cổ động viên Myanmar trật tự xếp hàng mua vé xem trận Việt Nam – Myanmar mà thấy xấu hổ cho các cổ động viên ở xứ ta. Người hâm mộ nước bạn cũng yêu thể thao nhưng đứng xếp hàng trật tự, không chen lấn xô đẩy. Mỗi người xuất trình chứng minh thư được mua 2 vé. Đặc biệt, giá vé của họ rẻ chỉ bằng 1/5 ở ta, có phe vé nhưng cũng không phải với giá hét trên trời như ở Việt Nam. Chừng đó thôi đủ thấy đất nước này tuy GDP bình quân đầu người chỉ bằng một nửa chúng ta, song ít ra văn hóa xếp hàng của họ đã vượt xa...Từ chuyện xếp hàng mua vé sang chuyện cổ động trong sân. Trong trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Hàn Quốc ở bán kết môn bóng đá nam ASIAD 18, một số CĐV quá khích đã đốt pháo sáng trên khán đài SVĐ Pakansari (Indonesia), VFF phải nhận án phạt từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) với số tiền là 12.500 USD (gần 300 triệu đồng). Trước trận Việt Nam – Malaysia trong vòng đấu bảng AFF Cup 2018, VFF cùng các cầu thủ đã ra sức kêu gọi cổ động viên cổ vũ văn minh, nói không với pháo sáng. Nhưng bất chấp việc VFF có thể tiếp tục bị xử phạt, bất chấp khả năng đội tuyển Việt Nam phải đá trên sân trung lập hoặc không có khán giả nhà, pháo sáng vẫn lóe lên trên sân Mỹ Đình tối 16/11. Cho dù ai cũng hiểu sự cuồng nhiệt không làm nên chiến thắng của đội tuyển nhà, mà chỉ làm xấu xí hình ảnh người Việt trong con mắt bạn bè các nước; nhưng nhắc mãi, nói nhiều, vi phạm vẫn tái diễn.