Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cướp lộc, phát ấn: Có còn ở mùa lễ hội sau?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì đợi cuối năm khi lễ hội hết “nóng” Bộ VHTT&DL mới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác tổ chức và quản lý lễ hội; lần đầu tiên Bộ VHTT&DL tập hợp đầy đủ nhà quản lý những nơi có lễ hội được truyền thông nhắc đến nhiều nhất vì phản cảm, bạo lực trong năm 2017 như Hội cướp Phết, Hội chùa Hương, Hội Gióng Sóc Sơn, Hội đền Trần Nam Định, Hội Lim...

Cướp lộc, phát ấn có được tiếp diễn tổ chức vào mùa lễ hội sau đã được các đơn vị và chuyên gia văn hóa bàn thảo ngay trong hội nghị diễn ra sáng 24/2 (tức 28 tháng Giêng Âm lịch).
Lễ hội xấu xí, đổ lỗi cho dân
Không phải năm đầu tiên câu chuyện cướp lộc của Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) và Hội Gióng Sóc Sơn (Hà Nội) bị mổ xẻ trong các hội nghị. Ông Nguyễn Đắc Thủy – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ thừa nhận, sau mùa lễ hội năm 2015 và 2016, Hội Phết Hiền Quan bị cơ quan truyền thông nhắc nhiều về hành động phản cảm, đích thân Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cùng các Cục, Vụ đã liên tục làm việc với địa phương để chấn chỉnh những hình ảnh phản cảm này. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết, năm 2016 ông đã thúc giục các Cục, Vụ và Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ phải tìm ra được phương án tổ chức tốt hơn cho lễ hội; Tổ chức hội nghị đối thoại với dân để cướp phết chuyển từ phương án cướp tự do chia thành 2 đội gồm 100 người tranh phết.

Tranh cướp lộc tại chùa Hương trong ngày khai hội Xuân Đinh Dậu 2017.  Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, Hội Phết Hiền Quan vẫn "vỡ trận" vì tranh cướp bạo lực. Nguyên nhân được ông Nguyễn Đắc Thủy mổ xẻ chính là ý thức của người đi hội chưa cao. Trách nhiệm của đơn vị tổ chức lễ hội để xảy ra các sự việc này là UBND xã Hiền Quan, UBND huyện Tam Nông. Còn Ban tổ chức lễ hội gần như không ai nhắc đến lý do vì sao đơn vị quản lý không yêu cầu dừng cướp phết ngay khi xảy ra nguy cơ từ buổi rước phết trước chính hội 1 ngày (12 tháng Giêng), tại sao lực lượng bảo vệ lại đứng làm ngơ trước hành động vượt hàng rào, xông vào cướp phết? Và đúng như quan điểm của một số người, cái gì xấu xí là đổ lỗi cho dân – người tham gia lễ hội. Nhiều nhà nghiên cứu đồng quan điểm phải xây dựng văn hóa ứng xử trong lễ hội, tuyên truyền giáo dục cho người dân. Tuy nhiên, “để thay đổi được thái độ ứng xử đi hội không chỉ ngày 1 ngày 2 mà cần nhiều năm” – PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nói và cho rằng, muốn quản lý lễ hội tốt phải phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý Nhà nước. “Lễ hội không của riêng ngành văn hóa, bến bãi là trách nhiệm của ngành giao thông, ATTP của ngành y tế… nhưng đến nay bất kể điều gì xảy ra trong lễ hội là dư luận lại đổi lỗi cho văn hóa” – PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh. Ngoài ra, địa phương là Ban tổ chức, UBND xã, huyện nơi tổ chức lễ hội thu lời nhưng khi có “sạn” đơn vị chịu trách nhiệm là Sở, là Bộ. Trách nhiệm quản lý lễ hội không rõ ràng, quanh co đổ lỗi đang là bệnh chưa thể chữa của người quản lý.
Nhiều lễ phát ấn bị cấm tổ chức
Năm 2017, hiện tượng "cuồng ấn" không chỉ diễn ra đền Trần Nam Định mà còn lan ra đền thờ vua Quang Trung (Nghệ An) và lễ hội khai bút đầu Xuân của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Bao biện cho nghi lễ phát ấn mới phát sinh năm 2017, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Nghệ An cho rằng nghi lễ này đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng, tạo sự phong phú cho hoạt động lễ hội. “Chúng ta làm văn hóa không chỉ phục hồi, bảo tồn mà còn tạo cho cộng đồng khả năng sáng tạo” – bà Hương nhấn mạnh.
Không đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL yêu cầu dừng tất cả các lễ hội phát ấn mới phát sinh ở Tuyên Quang và Nghệ An. Theo quan điểm của Bộ trưởng, “đây là hiện tượng đánh tráo khái niệm lễ hội. Nếu chúng ta cứ sáng tạo thì mọi hoạt động văn hóa của cả nước biến thành lễ hội hết”. Ngoài ra, bên lề hội nghị ngày 24/2, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng hứa năm 2017 sẽ cho các đơn vị nghiên cứu kỹ và đưa ra quyết định về việc có tiếp tục phát ấn ở đền Trần Nam Định nữa hay không. Bởi hiện nay nhiều nhà khoa học và thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng mập mờ về nguồn gốc của chiếc ấn ở đền Trần.
Không chỉ những nghi lễ sáng tạo mà nhiều đơn vị đang gặp khó trong cách giải quyết giữ hay bỏ nghi lễ truyền thống. “Chúng tôi cần quan điểm của Bộ, có cho cướp lộc nữa hay không. Chúng tôi xin phép Bộ trưởng, Hội Gióng ở Sóc Sơn bị báo chí nhắc nhiều thế năm sau cho phát lộc, không còn cướp lộc” – ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội bày tỏ. Bên cạnh đó cùng quan điểm để nói không với lễ hội bạo lực, ông Nguyễn Vũ Phan – quyền Giám đốc Sở VHTT&DL Tuyên Quang cho rằng: “Bộ VHTT&DL cần dứt khoát quan điểm, đã cấm chọi trâu thì cấm toàn quốc, không nên nơi cho phép, nơi không. Năm 2014 Tuyên Quang đã cấp phép cho lễ hội chọi trâu. Năm 2017 theo yêu cầu của Bộ, chúng tôi không cấp phép nhưng đơn vị vẫn tổ chức “chui”. Cho dù chúng tôi đã xử phạt và kiểm điểm trách nhiệm. Nhưng khi trao đổi với người dân, tại sao có chỗ chọi trâu cho là di sản, nơi khác bảo tổ chức là bạo lực trong khi cùng hình thức chọi trâu đấu đầu nhau?”.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng, không thể cứng nhắc dùng mệnh lệnh hành chính để cấm tổ chức mà nhà quản lý và nhà khoa học phải cùng thuyết phục Nhân dân. Sau khi người dân đồng thuận mới được ra văn bản quản lý Nhà nước để chỉnh sửa hình thức tổ chức”. Có nghĩa rằng giống như cướp Phết Hiền Quan, cướp lộc đền Gióng Sóc Sơn có được đổi thành phát lộc hay không còn cần phải chờ hội nghị đối thoại giữa Nhân dân và nhà quản lý trong năm tới. Cho dù lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội có mong muốn phát lộc nhưng cũng chưa thể thực hiện.
Xem xét hiện tượng hợp thức hóa hình thức đi lễ
Nhiều địa phương đã bắt đầu phàn nàn về hiện tượng thanh tra nối tiếp thanh tra, kiểm tra. Mỗi mùa lễ hội chùa Hương, đơn vị không chỉ đón các đoàn thanh tra cấp bộ, cấp TP, rồi cấp quận, cấp huyện mà còn các đoàn của các ngành y tế, công an, phòng cháy chữa cháy, môi trường… Có đến vài chục đoàn mỗi mùa lễ hội – một thành viên Ban tổ chức lễ hội thừa nhận. Đối với những lễ hội diễn ra ngắn ngày, một ngày Ban tổ chức xoay xở tiếp 5 - 7 đoàn thanh tra, không còn thời gian lo các công việc khác của công tác tổ chức lễ hội. Chưa kể, hầu hết các đoàn thanh tra, kiểm tra đều báo trước, chính vì vậy rất ít khi phát hiện ra các sai phạm.
“Công tác thanh tra, kiểm tra năm nào cũng diễn ra nhưng có quá nhiều đoàn thanh tra đi địa phương khen nhiều hơn chê. Những cán bộ làm có trách nhiệm gặp khó vì địa phương phản ứng sao đoàn trước khen, doàn này lại chê. Nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đi lễ kiểm tra lễ hội nhưng chỉ để đi lễ” – ông Tô Văn Động chia sẻ. Cho dù chưa chỉ ra được con người, vi phạm cụ thể của các đoàn thanh tra nhưng rất có thể trong năm 2018, chất lượng kiểm tra, thanh tra sẽ được ngành văn hóa sờ đến để chấn chỉnh. Bởi vì, trên thực tế đang còn quá nhiều vấn đề tồn tại trong công tác thanh tra lễ hội mà nhiều đơn vị ngại chưa dám đụng chạm.
Quanh co, kể lể thành tích không còn là bệnh của hội nghị chấn chỉnh công tác quản lý lễ hội. Phê thẳng, nhận xét thẳng với mục đích chấn chỉnh lễ hội chỉ của năm 2017 và hướng tới 2018 mà còn là giữ bình yên cho các mùa hội suốt cả chặng đường dài. Đây là dấu hiệu tốt hy vọng lễ hội trở về với đúng quỹ đạo giá trị văn hóa truyền thống vốn có, không còn phát lộc, phát ấn… làm giàu giá trị của hơn 8.000 lễ hội khác.
Trong công tác tổ chức lễ hội nhiều khi chúng ta chưa nghiêm khắc. Từ nay trở đi các đơn vị không được xề xòa. Để xảy ra sai phạm trong lễ hội ngành văn hóa và Ban tổ chức cũng phải kiểm điểm và phạt tiền, truy trách nhiệm cá nhân.
 Bộ trưởng Bộ VHTT&DL  Nguyễn Ngọc Thiện

Chúng tôi ủng hộ sự phát triển trong lễ hội chọi trâu nhưng phải đúng quy định, không phản cảm chúng ta có thể kiếm được tiền. Hội nhập quốc tế không phải quốc tế bảo gì chúng ta cũng nghe. Theo tôi lễ hội truyền thống về Đồ Sơn chúng ta giữ lại, còn những lễ hội chọi trâu khác cần nghiên cứu. Nếu để chọi trâu thành hiện tượng, lan truyền ở các tỉnh thành thì không nên.
GS.TS Lê Hồng LýViện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa