Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cứu hay không cứu?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xung quanh phát ngôn của TS Alan Phan về việc để thị trường bất động sản (BĐS) rơi “tự do”, Chính phủ không cần phải cứu, thì giá nhà sẽ giảm xuống 30 - 50%, sau 4 - 5 năm thị trường sẽ hồi phục.

Phản ứng trước nhận định này, các thành viên CLB BĐS Hà Nội đã đưa ra 15 câu hỏi chất vấn ngược. Việc có một cuộc đối thoại mở để ngã ngũ vấn đề đang được dư luận chờ đợi.

Để BĐS rơi “tự do”, người nghèo không bao giờ mua được nhà 

Cụ thể CLB BĐS Hà Nội đã gửi thư nhắc TS Alan Phan về việc trả lời 15 câu hỏi chất vấn trước khi lên bàn đối thoại. Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB cho rằng, những thông tin mà TS Alan Phan phúc đáp lại chưa sát với mong muốn và sự cầu thị của các hội viên. 
 
Bản thân ông Cường cũng phân tích thêm về việc để BĐS rơi tự do và cứu hay không cứu của Chính phủ: Việc phát biểu không tách bạch các đối tượng cần cứu, cụ thể cứu nền kinh tế, thị trường, đa ngành nghề, trong đó có lĩnh vực BĐS rất dễ dẫn đến việc hiểu lầm. Nếu thị trường BĐS rơi “tự do”, đồng loạt phá sản, giá rẻ, người nghèo cũng không có cơ hội mua được nhà, ngay cả khi giảm 80 - 90%. Vì lúc đó người có tiền, các tổ chức thấy lợi sẽ nhảy vào đầu tư, mua buôn, mua vét. Liệu người nghèo có đủ sức để cạnh tranh. Thứ nữa, khi đã đầu tư vì giá rẻ sẽ diễn ra việc ôm toàn bộ dự án để găm hàng đợi thị trường trở lại, bán ra. 

Cứu hay không cứu? - Ảnh 1
 
Cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.Ảnh: Đức Giang
Thị trường BĐS "chết", hiệu ứng domino sẽ làm tê liệt, phá sản hàng trăm ngành nghề liên quan và không liên quan. Nhiều người nghĩ rằng, thị trường BĐS chỉ là nhà ở, nhưng để hoàn thành một ngôi nhà có sự đóng góp, tham gia của các sản phẩm, vật liệu từ rất nhiều ngành nghề khác như: gạch, sắt thép, gỗ, xi măng... Nếu không có nhà, khách sạn, dự án, công trình mới thì tất cả các ngành nghề phục vụ đời sống con người không có chỗ để tiêu thụ sẽ tồn kho, vỡ nợ. Hàng hóa không lưu thông, kinh tế đình trệ. Doanh nghiệp phá sản, người lao động làm thuê trong các phân xưởng, nhà máy, không tài sản tích lũy sẽ sống như thế nào?

Vai trò giải cứu của Chính phủ?

Còn nhớ cách đây không lâu, trong lần sang làm việc của ông John Sheehan chuyên gia tư vấn quản lý của Capital Services Group, thành viên tổ chức giám định BĐS Hoàng gia Anh (FRICS) cũng cho rằng: Hiện thị trường BĐS Việt Nam có quy mô khủng hoảng và nợ xấu rất nhiều, khó kiểm soát, BĐS đang không có khả năng để tự cứu mình thì Chính phủ cần phải vào cuộc. Mức độ và thời điểm can thiệp của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng. Những biện pháp can thiệp của Chính phủ càng đúng, càng trúng thì sự khôi phục của thị trường sẽ càng nhanh như trường hợp của Thái Lan sau khủng hoảng tài chính năm 1997, chỉ 4 năm sau khi Chính phủ nước này nhờ Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF can thiệp vào 1998.

Thực tế thời gian qua Chính phủ đã và đang nỗ lực hết sức để vực dậy các lĩnh vực đa ngành nghề, trong đó có lĩnh vực BĐS bởi thị trường này có tính liên thông, đầu ra của hàng loạt mặt hàng vật liệu xây dựng, trang trí nội - ngoại thất, và cả những ngành tưởng chừng như không liên quan trực tiếp như kinh doanh ăn uống, thời trang…

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua với những giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn chỉ đạo cụ thể của Chính phủ đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Cụ thể lãi suất ngân hàng đã giảm từ 20% xuống 7,5%, hiện đang đề xuất 6%. BĐS không còn bị coi là lĩnh vực phi sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư, hoạt trong lĩnh vực BĐS được nới lỏng chính sách vay vốn, được vay vốn với lãi suất ưu đãi để vượt qua khó khăn. Nhà ở thương mại được chuyển sang nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Người dân đã và đang có cơ hội mua được để cải thiện chỗ ở.

“Ý kiến của TS Alan Phan là ý kiến và quan điểm riêng cá nhân. Hiệp hội không có bình luận về việc tranh luận giữa ông và CLB BĐS Hà Nội. Cuộc trao đổi này không có hại, thậm chí càng tranh luận thì càng tìm được cái tốt hơn, chứ không phải cố nói ai đúng ai sai. Hiệp hội chỉ có kiến nghị, phản biện những giải pháp trực tiếp với các Bộ và Chính phủ để thị trường ngày một tốt lên. TS Alan Phan nhìn nhận vấn đề thị trường BĐS Việt Nam ở góc độ một chuyên gia nước ngoài, cái gì đúng chúng ta nên tham khảo.” - Ông Nguyễn Anh Tú - Chánh Văn phòng Hiệp hội BĐS Việt Nam