Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Cứu ngành mía đường khỏi nguy cơ bị bức tử] Bài 1: Người trồng mía... kêu cứu!

Bá Trường - Phạm Hùng - Ngọc Huân - Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 tháng gần đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (HHMĐVN) liên tiếp có 3 văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an báo cáo tình hình khó khăn nghiêm trọng của các nhà máy đường (NMĐ) và hơn một triệu người trồng mía, sống nhờ vào cây mía, đồng thời kiến nghị một loạt các giải pháp để cứu ngành mía đường. Chưa bao giờ vấn đề của ngành mía đường lại nóng như hiện nay, gần một nửa số NMĐ phải đóng cửa, người trồng mía không còn quan tâm đến cây mía. Có nơi diện tích trồng mía giảm đến 40%... Ngành mía đường nuôi sống gần nửa triệu hộ đang đứng trước nguy cơ bị bức tử.

Nhiều vùng nguyên liệu mía ở tỉnh Phú Yên đã cơ giới hóa trong khâu thu hoạch để giảm chi phí.
Vụ mía đường 2018 - 2019 đã kết thúc, những tưởng người trồng mía sẽ được hưởng “vị ngọt” những ngày lao động vất vả nhưng thêm một mùa nữa nông dân lại nếm “vị đắng của mía” trên mảnh ruộng của mình.
Giàu lên từ mía cũng phải… bỏ mía!

Từng được xem là một trong những “thủ phủ” của cây mía, với nhiều hộ nông dân trồng trên quy mô lớn, có hộ gần 1.000ha, đầu tư trang thiết bị, cơ giới vào ruộng mía nhưng người trồng mía tỉnh Tây Ninh đang đối mặt với nguy cơ bỏ cây mía. Nếu như niên vụ 2018 - 2019, diện tích mía của tỉnh là 15.000ha, nhưng đến vụ 2019 - 2020 chỉ còn 10.000ha.
Từ năm 1995, cây mía đã giúp nhiều gia đình đổi đời, đặc biệt ở khu vực huyện Sông Hinh là vùng có đa số đồng bào dân tộc Êđê, Bana… Mặc dù mỗi năm ngành mía đường chỉ nộp ngân sách tỉnh khoảng 100 tỷ đồng, nhưng giúp ổn định đời sống Nhân dân, ổn định xã hội, đặc biệt khu vực miền núi. Giải quyết việc làm cho khoảng 120.000 nông dân trong tổng số 950.000 dân của tỉnh, chưa kể lực lượng lao động liên quan ngành mía đường (công nhân sản xuất mía, người bốc vác mía, chuyên chở mía…).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế

Đưa tay chỉ về cánh đồng bắp hơn 40ha, vừa được trồng trên diện tích từng cho sản lượng mía trên 140 tấn/ha, với 10 chữ đường (CCS). Ông Đặng Văn Hùng (SN 1945, ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), buồn bã nói: “Từ năm nay, tôi bỏ luôn cây mía để trồng mì, bắp. Không riêng gì tôi, nhiều nông dân khác cũng phải bỏ cây mía vì lỗ nặng”.

Nguyên nhân người trồng mía lỗ nặng, ông Ngô Minh Trí (trồng hơn 400ha), lý giải: “Mỗi ha mía, phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng, gồm: thuê đất 15 - 20 triệu đồng/ha/vụ; giống, phân, công chăm sóc, công thu hoạch... bình quân 35 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi 1ha mía cho sản lượng khoảng 60 tấn/vụ, nhưng NMĐ TTC chỉ mua với giá 700.000 đồng/tấn mía 10 CCS. Đầu tư khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ, nhưng chỉ thu được 42 triệu đồng/ha/vụ. Chỉ riêng vụ mía 2018 - 2019, tôi lỗ hơn 3 tỷ đồng”.

Theo ông Hùng: “Để người trồng mía có thể sống được và ngành mía đường tồn tại, trước tiên Nhà nước cần xem lại cơ chế quản lý. Tại sao ngành mía đường Việt Nam thua Thái Lan? Bởi vì cây mía được nhà nước của họ bảo hộ từ đầu đến cuối. Lợi nhuận từ cây mía, được họ đưa vào luật: Người trồng hưởng 70%, nhà máy và nhà nước chỉ hưởng 30%. Với chính sách này, nông dân Thái luôn sống khỏe. Còn với người trồng mía Việt Nam trồng càng nhiều lỗ càng lớn”.

Năng suất cao nhất thế giới… vẫn lỗ!

Hậu Giang là tỉnh có vùng nguyên liệu mía lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và Long Mỹ. Nông dân tại đây được xem là những người trồng mía… giỏi nhất thế giới với năng suất bình quân 100 tấn/ha/vụ (tương đương một số quốc gia trong nhóm I về mía đường như Brazil, Australia...). Thậm chí nhiều trường hợp đạt sản lượng 200 tấn/ha/vụ. Có năng suất cao nhất thế giới là vậy, nhưng người trồng mía ở Phụng Hiệp cũng trong tình trạng thua lỗ mấy năm nay.

Ông Đinh Văn Triệu ở ấp Mỹ Lợi B (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) cả chục năm nay luôn nằm trong câu lạc bộ 200 tấn (200 tấn mía/ha/vụ) cho biết: “Dòng họ nhà tôi trồng mía hơn 70 năm, nhưng chưa bao giờ khó khăn như 3 năm qua. Trước năm 2015, với 2ha mía, gia đình tôi lãi từ 100 - 150 triệu đồng/vụ. Từ 2016 đến nay lỗ liên tục, dù không thuê nhân công. Mía nhà tôi trồng năng suất trên 160 tấn/ha/vụ, luôn có chữ đường 10,4 CCS nên NMĐ Cần Thơ mua 970.000 đồng/tấn. Nhưng sau khi trừ tiền công chặt, vận chuyển mía ra thuyền, chở về nhà máy…, chỉ còn 690.000 đồng/tấn, lỗ gần 10 triệu đồng/ha/vụ cùng toàn bộ công cán của cả gia đình trong 1 năm”. Tương tự, anh Nguyễn Thành Chúc (cùng ấp với ông Triệu), cũng nhờ cây mía, gia đình anh xây được căn nhà gần nửa tỷ đồng. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây, gia đình anh Chúc lâm vào cảnh nợ nần, vì giá mía xuống thấp, buộc phải bỏ mía. 
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết toàn huyện có khoảng 7.500 hộ nông dân sống nhờ mía. Diện tích mía năm 2018 - 2019 là 7.500ha, nhưng vụ 2019 - 2020 chỉ còn 6.500ha, năng suất bình quân 100 tấn/ha/vụ, đạt khoảng 600.000 tấn mía/năm. Mấy năm nay người trồng mía gặp nhiều khó khăn, càng trồng càng lỗ. Vì thế huyện Phụng Hiệp cố gắng giữ lại 3.000 - 4.000ha mía, để giữ vùng nguyên liệu, nhưng điều này xem ra khó khả thi.

Nguy cơ “tái nghèo” trên diện rộng…

Còn tại tỉnh Phú Yên, vụ mía 2017 - 2018, người dân trồng 29.764ha, nhưng đến vụ 2019 - 2020 diện tích chỉ còn 23.609ha, giảm trên 6.100ha.

Ông Lê Tấn Cường (huyện Sông Hinh), trồng mía từ năm 2005, với diện tích 25ha. Từ khi trồng mía, cuộc sống gia đình ông Cường cũng như nhiều hộ trồng mía trong huyện thay đổi hẳn. Rẫy mía nhà ông cho sản lượng 80 - 100 tấn/ha/vụ, nếu đất xấu cũng được 60 - 70 tấn/ha/vụ. Mỗi vụ mía ông Cường lời khoảng 600 triệu đồng.

“Ba năm trở lại đây giá mía quá thấp, chỉ còn 760.000 đồng/tấn, trong khi tiền thuê công thu hoạch tốn 350.000 đồng/tấn. Sau mỗi vụ mía, không đủ trả tiền các chi phí. Ba năm nay, tôi lỗ từ 250 - 350 triệu đồng/vụ. Cũng như nhiều hộ khác, gia đình tôi không những bán bò trả nợ, mà còn có nguy cơ mất nhà vì cầm ngân hàng đầu tư vào ruộng mía. Nếu cứ với giá mía 760.000 đồng/tấn như hiện nay, chúng tôi không thể theo nữa. Huyện Sông Hinh có tới 100% hộ trồng mía bị lỗ. Nhiều hộ đã bỏ hoang đất, riêng tôi bỏ hoang 18ha, chỉ cố chăm sóc 7ha mía lưu gốc còn lại vì không có tiền đầu tư”- ông Cường chia sẻ.

Trường hợp khác là nông dân người dân tộc Êđê, ông Lê Mô Y Đênh (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) trồng 4ha mía từ năm 1999. Kể từ sau vụ mía năm 2001, hầu hết đồng bào Êđê, Bana… ở huyện Sông Hinh đổi đời. Nhiều gia đình tích cóp từ 200 - 300 triệu đồng/vụ mía, có tiền xây nhà, mua được nhiều tài sản có giá trị. Riêng ông Đênh cũng sửa được ngôi nhà sàn của mình khang trang. “3 vụ liên tiếp vừa rồi, tôi lỗ 30 - 40 triệu đồng/vụ. Tôi vay ngân hàng 60 triệu đồng, giờ không biết lấy gì trả. Chúng tôi mong nhà máy phân bón gia hạn, khoanh nợ cho bà con nông dân, mong Nhà nước có chính sách giảm lãi suất ngân hàng cho những người trồng mía, siết chặt tình trạng nhập lậu đường, vì thả lỏng như hiện nay người trồng mía sẽ chết dần, hàng nghìn hộ gia đình có nguy cơ nghèo trở lại. Vì ở vùng đất này, ngoài cây mía, cây mì không trồng được cây gì khác” - ông Đênh, mếu máo nói.

Khi được hỏi nguyên nhân khiến giá mía rớt thảm hại trong những năm qua, hầu hết người trồng mía đều có chung nhận định đó là tình trạng buôn lậu đường. Người trồng mía khẳng định: “Đường Thái Lan được nhập lậu tràn lan, bày bán công khai, rẻ hơn đường nội địa dẫn đến đường của các NMĐ tồn kho số lượng lớn. Đường không bán được, các NMĐ buộc phải hạ giá mua mía, đồng thời không còn vốn hỗ trợ nông dân tái sản xuất, khiến người trồng mía bị ảnh hưởng nặng nề”. (còn nữa)