Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Cứu ngành mía đường khỏi nguy cơ bị bức tử] Bài 2: Lao đao đầu ra của mía

Bá Trường – Phạm Hùng – Ngọc Huân – Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không những bị đường lậu tấn công khiến nhà máy đường (NMĐ) giảm giá mua mía, người trồng mía ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh, Phú Yên và những vùng nguyên liệu mía trên cả nước còn bị các NMĐ dùng nhiều thủ thuật để chèn ép. Thực tế này khiến tình cảnh người trồng mía đã khốn khó, lại càng bi đát hơn.

Phá hợp đồng, giảm giá mua mía!
Điển hình là NMĐ Thành Thành Công (TTC) ở tỉnh Tây Ninh ký hợp đồng thu mía của nông dân với giá sàn 900.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường (CCS), trong 3 vụ liên tiếp (từ 2018 – 2020). Nhưng tại vụ mía 2018 - 2019, NMĐ này tự ý hạ giá mua mía xuống còn 700.000 đồng/tấn 10 CCS, vì vậy người trồng mía Tây Ninh liên tục khiếu nại, thậm chí có người đã khởi kiện ra tòa.
Nông dân Nguyễn Thành Chúc (ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) ưu tư bên ruộng mía của mình. Ảnh: Ngọc Huân
Ông Nguyễn Văn Triển, trồng hơn 230ha mía, có ký hợp đồng bán nguyên liệu cho NMĐ TTC ấm ức nói: “NMĐ TTC đang bóp chết nông dân. Họ tự ý phá vỡ hợp đồng với người dân. Sau khi chúng tôi khiếu nại nhiều lần, NMĐ TTC mới hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tấn, nâng thành 750.000 đồng/tấn.
DN bội ước, vi phạm hợp đồng nên tôi nộp đơn kiện ra tòa, họ xuống làm việc, gây áp lực. Vì tôi vay tiền của họ để đầu tư, nên cuối cùng tôi phải rút đơn kiện. Người trồng mía ở Tây Ninh ai cũng biết NMĐ TTC vi phạm hợp đồng. Nhưng rất ít người dám phản ứng vì toàn tỉnh chỉ có 4 NMĐ, trong đó 3 NMĐ của Tập đoàn TTC, nhà máy còn lại không mua mía bên ngoài”.
Theo Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh, niên vụ 2018 - 2019, cả nước có 36 NMĐ nhưng chỉ có NMĐ TTC - Biên Hòa mua mía với giá thấp nhất 700.000 đồng/tấn. Trong khi đó, cũng ở miền Đông Nam Bộ, NMĐ La Ngà (Đồng Nai) lại mua tới 860.000 đồng/tấn.
Còn giá thu mua mía tại các ruộng mía ở Phú Yên, Đắk Lắk là 760.000 đồng/tấn, Kontum 800.000 đồng/tấn, Sông Côn 780.000 đồng/tấn, Sơn La 800.000 đồng/tấn và Tuyên Quang 900.000 đồng/tấn.
Chủ tịch Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh Lâm Chí Dũng cho biết: “Từ 3 năm qua, người trồng mía luôn bất đồng với nhà máy. Chúng tôi đấu tranh chỉ nhằm kêu gọi NMĐ phải xem xét lại, chia sẻ lợi nhuận với người trồng mía, làm sao cho người trồng mía có thể sống được với nghề. Nếu cứ ép chúng tôi như hiện nay, thì người trồng mía không còn con đường nào để sống. Niên vụ 2019 - 2020, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị NMĐ TTC mua với giá 800.000 đồng/tấn!”.
Đánh vào “tạp chất” để giảm giá mua
Không những tự ý phá vỡ hợp đồng, tự giảm giá mua mía của nông dân, một số NMĐ còn dùng “chiêu” đánh vào tạp chất để ép người trồng mía. Theo các quy định hiện hành, tỷ lệ tạp chất dưới 3%, lúc đó mía nguyên liệu được xem là mía sạch.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số NMĐ không còn áp dụng quy định này, họ thẳng tay trừ toàn bộ số phần trăm tạp chất do họ tự đánh giá và người trồng mía buộc phải gánh toàn bộ tỷ lệ tạp chất bị trừ!
Ông Đinh Văn Triệu (ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), cho biết trước đây khi thị trường mía đường còn thuận lợi, các NMĐ hỗ trợ 2% tạp chất. Nếu mía được xác định có tạp chất 5%, NMĐ chỉ trừ 3%. Thế nhưng khi thị trường mía đường khó khăn, NMĐ Cần Thơ thẳng tay trừ toàn bộ tỷ lệ phần trăm tạp chất, không hỗ trợ người trồng mía như trước.
“Mía nhà tôi trồng cho sản lượng 160 tấn/ha/vụ, nhưng bị trừ tạp chất tới 6,4%, mất gần 10 tấn. Thậm chí nhiều vùng khác của Hậu Giang, khi người dân chở mía lên nhà máy, bị trừ tạp chất đến 10%.
Cứ 100 tấn mía, nông dân bị mất 10 tấn, chỉ cần xê xích tỷ lệ tạp chất là người trồng mía lĩnh đủ. Tỉnh Hậu Giang có vùng nguyên liệu gần 1 triệu tấn, các NMĐ chỉ cần xê xích tỷ lệ tạp chất một xíu, họ có thể bỏ túi một khoản tiền rất lớn”- ông Triệu nhận xét.
Về vấn đề trừ tạp chất, đại diện NMĐ Cần Thơ cho rằng có chuyện như vậy, trước đây thị trường mía đường còn thuận lợi, NMĐ hỗ trợ người trồng mía 2% tạp chất. Còn hiện tại nhà máy không hỗ trợ nữa, vì muốn người trồng mía tập dần thói quen sản xuất mía sạch, chất lượng cao.
Vị đại diện NMĐ Cần Thơ cũng cho biết căn cứ để xác định tỷ lệ tạp chất trong mía nguyên liệu, xác định chữ đường do một tổ giám sát gồm đại diện sở NN&PTNT, công thương, phía NMĐ cùng tham gia, chứ không phải quyết định của NMĐ.
Còn đối với tố cáo của người trồng mía tỉnh Tây Ninh việc NMĐ TTC – Biên Hòa phá vỡ hợp đồng, đánh vào “tạp chất”, giảm chữ đường. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Duy Ân cho rằng, về phía Sở và Hội Người trồng mía tỉnh đã nhiều lần ngồi lại với NMĐ TTC – Biên Hòa để hỗ trợ người trồng mía thương lượng với NMĐ.
Việc tố cáo NMĐ đánh tạp chất cao, đánh chữ đường thấp (dân cho rằng mía 11 CCS, khi về nhà máy chỉ còn 8 - 9 CCS), khi nghe phản ánh, Sở NN&PTNT đã lấy mẫu đưa đi thử tại Trung tâm 3, cho kết quả chênh lệch không lớn, chưa thấy sự gian dối từ phía DN. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng mía không đồng ý với những kết quả kiểm tra này, đồng thời đề xuất chọn đơn vị độc lập trong việc kiểm tra chữ đường để có đánh giá khách quan.
(Còn nữa)