Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cứu văn học nghệ thuật khỏi ... thương mại hóa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đứng giữa những tác động của xu hướng thương mại hóa, giữa bức tranh "vàng thau lẫn lộn", những người làm văn học nghệ thuật (VHNT) đã ngồi lại với nhau, tìm giải pháp cứu nguy cho lĩnh vực này.

Vàng thau lẫn lộn

Nhìn quãng đường 15 năm mà VHNT Việt vừa bước qua, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Kim Cuông nhận định: "Về căn bản, diện mạo chung của VHNT 15 năm qua, dòng mạch chính vẫn là chủ nghĩa yêu nước, thể hiện chân thực cuộc sống lao động, đấu tranh và xây dựng của nhân dân ta trước những thử thách mới. Tuy nhiên, chất lượng sáng tác vài năm gần đây có dấu hiệu chững lại, bộc lộ sự lúng túng trong tư duy nghệ thuật. Xu hướng thương mại hóa, hạ thấp chức năng nhận thức và giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí và đề cao thái quá "cái tôi nghệ sĩ" có chiều hướng phát triển dưới nhiều biểu hiện phức tạp".

Cứu văn học nghệ thuật khỏi ... thương mại hóa - Ảnh 1

Mặt khác, bức tranh VHNT đang trở nên lộn xộn bởi mỗi gam màu tạo nên nó đều mang trong mình những vết loang lổ. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam Chu Thúy Quỳnh cho biết, sân khấu múa đang lan tràn loại múa minh họa ca nhạc tầm thường, dễ dãi, đôi khi phản cảm, khiến công chúng dị ứng. Còn đối với văn học, "Tác động của cơ chế thị trường đã lái người viết vào lối giải trí rẻ tiền, mùi mẫn câu khách. Ngày càng nhiều tác phẩm miêu tả sex ("Sợi xích" của Lê Kiều Như), khao khát tình dục bản năng ("Bóng đè" của Đỗ Hoàng Diệu), chửi đổng bóng gió ("Thời của thánh thần" của Hoàng Minh Tường), phủ nhận quá khứ (Hồi ký "Tôi không phải thằng hèn" của Tô Hải)" - Trưởng phòng Văn học Cục Văn hóa cơ sở Tô Nhuần nhận định. Trong khi đó, mặt bằng mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm ở nước ta dù đã được nâng lên một bước, nhưng thiếu đỉnh cao, thiếu tác phẩm, công trình có tính vượt trội. Trên sân khấu hiện nay lại thiếu diễn viên trầm trọng, hiếm gương mặt mới, còn âm nhạc dân tộc đang dần mất vị thế và bị mai một…

Chính những truyện sex, thơ tình ủy mị, phim truyện với những mối tình giật gân, tranh khỏa thân thẩm mỹ thấp kém, kiến trúc phô trương, sân khấu gây cười "cơ giới", "thô tục"… đang trở thành một vấn nạn, tác động xấu đến thị hiếu công chúng và làm hỏng bức tranh VHNT.

Cứu văn học nghệ thuật khỏi ... thương mại hóa - Ảnh 2

 

Cứu nguy bằng cách nào?

Đối diện với bức tranh buồn của VHNT ấy, những người làm nghề đã tính đến nhiều giải pháp để cứu nguy cho nghệ thuật Việt. Nhà văn Tô Nhuần cho rằng: "Một số ngành nghệ thuật đã có cơ quan tham mưu như Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Điện ảnh… Nhưng văn học được ví như "khu vực nhạy cảm" lại chưa có Cục Văn học. Vậy tôi đề nghị Bộ VHTT&DL thành lập Cục Văn học, là cơ quan tham mưu về lĩnh vực văn học cho Bộ". Mặt khác, để nâng cao chất lượng VHNT trong thời gian tới, đời sống của văn, nghệ sĩ cũng cần được nâng lên. Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam Hữu Thỉnh nhấn mạnh: "Phải có chính sách đặc thù riêng cho những người hoạt động trong lĩnh vực VHNT. Vì khi họ sống được bằng nghề thì mới yêu nghề và cho ra đời những tác phẩm hay". Đồng quan điểm đó, NSND Chu Thúy Quỳnh bộc bạch: "Hãy cho chúng tôi một chính sách đãi ngộ thích đáng để toàn tâm, toàn ý lao động, sáng tạo nghệ thuật".

 Các ý kiến đóng góp của giới làm nghề này sẽ là cơ sở để Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đưa ra những giải pháp tối ưu nhằm "cứu nguy" cho tình trạng thương mại hóa, lúng túng của VHNT trước cánh cửa hội nhập thế giới.