Anh Trần Văn Thuần, thôn Thường Liễu, Tân Dân, Phú Xuyên đang thu hoạch nấm tại trang trại của gia đình. |
Vốn là một kỹ sư nông nghiệp, sau khi ra trường, anh Thuần trở về quê hương phát triển kinh tế gia đình. Trong quá trình làm việc, anh nhận thấy địa phương có nghề mộc rất phát triển, tuy nhiên hệ lụy về môi trường không hề nhỏ. Với hơn 1.700 hộ sản xuất, trung bình mỗi ngày làng nghề thải ra môi trường hàng chục tấn rác thải, trong đó phần lớn là mùn cưa. Nhiều gia đình phải thuê người đến thu gom, nhiều người lại đổ trộm ra đường làng ngõ xóm, gây mất vệ sinh môi trường. Với kỹ năng của một kỹ sư nông nghiệp, anh nhanh chóng nhìn ra đây chính là nguồn nguyên liệu quý giá để phát triển kinh tế. Vì vậy, năm 2013, anh đã mạnh dạn thuê hơn 4.500m2 đất đầu tư phát triển trang trại nấm Thuần Việt, tận dụng mùn cưa, rơm rạ để làm nguyên liệu sản xuất.Anh Thuần cho biết, để có được sản phẩm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là cách ủ nguyên liệu. Nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, loại bỏ hết các tạp chất, thanh trùng sạch sẽ. Bên cạnh đó, anh luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, tưới bằng nước sạch đến vệ sinh khu trồng hàng ngày. “Hiện nay, người tiêu dùng luôn lựa chọn các sản phẩm sạch và an toàn nên gia đình tôi sản xuất nấm hoàn toàn theo phương thức hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học” – anh Thuần cho biết.Hiện nay, trung bình mỗi ngày, trại nấm Thuần Việt cho thu hoạch khoảng 4 - 6 tạ nấm sò và mộc nhĩ thương phẩm. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, nhiều lúc không đủ hàng để cung cấp cho khách. Với giá bán nấm sò trắng là 30.000 đồng/kg, nấm sò nâu 35.000 đồng/kg, mộc nhĩ 120.000 đồng/kg… trừ chi phí, mỗi năm anh thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, trại nấm còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần chục lao động địa phương. Trong năm 2019, anh tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại thêm 1.000m2.Nhận xét về hiệu quả của trang trại nấm Thuần Việt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân Phan Văn Tiên cho rằng: Đây là một mô hình đa lợi ích. Ngoài đem lại thu nhập khá cho gia đình, tạo ra thực phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng, mô hình còn góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương, đặc biệt là giải bài toán về môi trường làng nghề.