Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 7 dự án chiến lược

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đăng cai hội thảo quốc tế “Đầu tư vào đô thị hóa bền vững”, TP Đà Nẵng đã trình bày 7 dự án chiến lược, và kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước, quốc tế.

 Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo
Tập trung vào hạ tầng giao thông đô thị
Bà Lê Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trình bày 7 dự án trọng điểm của thành phố Đà Nẵng tại hội thảo. Phần lớn các dự án tập trung vào giải quyết bền vững vấn đề giao thông, đô thị.
Dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu được đề cập đầu tiên. Bà Kim Phượng chia sẻ, hiện nay, cảng Tiên Sa có thể tiếp nhận 8,5 triệu tấn, 108 tàu du lịch. Tốc độ tăng trưởng bình quân của cảng là 13% đối với hàng hóa, 22% đối với container và 13,5% đối với tàu du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển của cảng Tiên Sa làm tắc nghẽn giao thông, gây áp lực về hạ tầng giao thông và cản trở phần nào đến phát triển du lịch của TP.
Trong tương lai, cảng Tiên Sa không thể phát triển mở rộng quy mô, công suất. Do đó, Đà Nẵng đã triển khai đầu tư xây Cảng Liên Chiểu trở thành khu bến chính của cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, cho phép tiếp nhận tàu hàng đến 100.000 tấn.
“Cảng Liên Chiểu có hai hợp phần. Theo đó, Nhà nước đầu tư hợp phần kè bảo vệ đê chắn sóng, Đà Nẵng kêu gọi tư nhân đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các khu bến và các hạ tầng để khai thác dịch vụ trên cảng. Giai đoạn đầu (khởi động đến 2022), vốn đầu tư khoảng 7.378 tỷ đồng. Sau giai đoạn 2030, quy mô đầu tư sẽ là 7.800 tỷ đồng. Từ 2050 về sau, tổng mức đầu tư 17.600 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn Cảng Liên Chiểu sớm triển khai thực hiện bởi đây là dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng”, bà Lê Thị Kim Phượng mời gọi đầu tư đến các đối tác.
Tiếp đến là Dự án Ga đường sắt và đổi mới đô thị tích hợp. Hiện nay, nhà ga đường sắt nằm ngay trung tâm TP gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị, nên Đà Nẵng có chủ trương di dời nhà ga ra khu vực phía Tây để dùng khu đất hiện trạng tái phát triển một khu đô thị mới, theo hướng đô thị xanh.
Bà Lê Thị Kim Phượng cho biết: “Đề xuất dự án di dời và xây dựng nhà ga mới sẽ là phần hỗ trợ ngân sách Trung ương, TP Đà Nẵng sẽ đầu tư xây dựng Dự án tái phát triển đô thị và nhờ sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) cho vay ưu đãi; đồng thời qua đó kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm để thực hiện dự án theo hình thức PPP, có thể thông qua hình thức hợp đồng BOT để xây dựng các công trình tiện ích để xây dựng những công trình có tính hấp dẫn về thương mại”.
Dự án phát triển giao thông xe cơ giới và ứng dựng hệ thống giao thông thông minh trong quản lý điều hành giao thông cũng được Đà Nẵng trình bày tại hội thảo. Qua đó, Đà Nẵng kêu gọi đầu thư theo hình thức ODA hoặc PPP, thời gian thực hiện từ 2019 đến 2024, tổng mức vốn khoảng 3.300 tỷ đồng.
Một dự án khác liên quan đến hạ tầng giao thông mà Đà Nẵng kêu gọi đầu tư theo hình thức vay ODA hoặc PPP là xây dựng tàu điện kết nối giữa Đà Nẵng với Hội An (Quảng Nam). Dự kiến mức kinh phí dự án này khoảng 7.000 đến 14.000 tỷ đồng.
Cảng Tiên Sa không thể mở rộng và gây áp lực lên giao thông đô thị, nên Đà Nẵng cần sớm triển khai xây Cảng Liên Chiểu
Giải quyết “vấn nạn” ô nhiễm môi trường
“Hàng ngày, Đà Nẵng thu gom khoảng 800 ngàn tấn rác thải, tập trung vào xử lý tại bãi rác Khánh Sơn. Dự kiến bãi rác này bị lấp đầy vào năm 2020, do đó chúng tôi phải cấp thiết đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo hình thức PPP với công suất xử lý dự kiến 1.000 tấn/ngày đêm. Hình thức đầu tư là kêu gọi đối tác công tư”, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Kim Phượng nói.
Theo bà Phượng, yêu cầu của nhà máy là xử lý triệt để rác thải, không gây ô nhiễm thứ cấp; đáp ứng tốt công suất thay đổi trong tương lai. Để thực hiện dự án này, Đà Nẵng có sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về cung cấp dịch vụ tư vấn giao dịch. Hiện ADB đã hoàn thành bước nghiên cứu khả thi cho dự án. Đà Nẵng kêu gọi các tổ chức, nhà đầu gửi thư tham gia dự thầu.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang triển khai Dự án Xây dựng mới các khu công nghiệp của TP nhằm phát triển các ngành công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường… Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư 3 khu công nghiệp mới với diện tích khoảng 1.000 hecta và mong muốn các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp quan tâm, đề xuất phương án.
Thành phố thông minh
Xây dựng “Thành phố thông minh” là dự án được Đà Nẵng nghiên cứu và ban hành kiến trúc tổng thể vào tháng 1/2018. Đà Nẵng chuẩn bị ban hành đề án xây dựng TP Thông minh giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó sẽ triển khai từ năm 2019 - 2020 với kinh phí khoảng 924 tỷ đồng cho 52 chương trình dự án. Từ năm 2021 - 2025 sẽ triển khai 30 chương trình dự án với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Mô hình kiến trúc Thành phố thông minh của Đà Nẵng xây dựng trên cơ sở mạng kênh giao tiếp, tầng ứng dụng, tầng dữ liệu và hỗ trợ ứng dụng, tầng mạng kết nối với người dân, doanh nghiệp, chính quyền và các hạ tầng điện, nước, giao thông, cơ sở vật chất về y tế, giáo dục.
“Đà Nẵng xây dựng Thành phố thông minh và tham gia vào mạng lưới các Thành phố thông minh ASEAN. Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ hợp tác với các tập đoàn công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài để giúp tư vấn hỗ trợ cho các giải pháp xây dựng dự án này”, bà Lê Thị Kim Phượng thông tin.
Hội thảo quốc tế “Đầu tư vào đô thị hóa bền vững” do Mạng lưới khu vực các chính quyền địa phương về quản lý định cư con người (CityNet) và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào ngày 22/11. Hội thảo quy tụ các chuyên gia quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đối tác từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Viện Phát triển xanh toàn cầu. Nội dung thảo luận tập trung vào tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị.