Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng hơn 100 người dân mang theo thức ăn, dựng lều trước cổng Công ty CP Thép Dana - Ý. Qua trao đổi, nhiều người dân bức xúc cho biết: Tháng 3/2018, UBND TP Đà Nẵng có văn bản ngừng hoạt động 6 tháng đối với 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc để đưa ra phương án xử lý liên quan đến việc di dời hay giải tỏa. Nhưng đến nay thời gian đã hết mà chính quyền vẫn chưa đưa ra quyết định. Điều này khiến người dân sống quanh nhà máy thép cảm thất bất an.
Bà Lê Thị Điểu (trú thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho biết: “Ô nhiễm từ nhà máy thép này khiến nước sinh hoạt của người dân chuyển sang màu vàng, không ai dám sử dụng và rất lo lắng. Mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Người dân chờ chính quyền quyết định di dời nhà máy thép hay cho dân đi, nhưng đến nay đã quá thời gian mà chúng tôi vẫn chỉ biết chờ”.
Trong khi đó, ông Lê Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn Công ty Dana - Ý cho biết, những ngày qua, người dân tập trung ngăn cản nhà máy sản xuất, đã gây ảnh hưởng đến việc làm của hơn 1.000 công nhân.
“Công ty Dana - Ý mong muốn câu trả lời của TP Đà Nẵng. Còn việc đi hay ở thì doanh nghiệp đều chấp hành”, ông Bình nói đồng thời thông tin thêm, những ngày qua, công nhân bức xúc kéo lên nhà máy, nếu tiếp tục hoạt động thì họ có công ăn việc làm, còn không hoạt động, di dời thì phải giải quyết quyền lợi cho họ.
Về phía chính quyền địa phương, ông Đặng Thương - Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết đã nắm được thông tin người dân kéo đến vây nhà máy thép Dana - Ý. Trách nhiệm của huyện là động viên người dân bình tĩnh và cử lực lượng đảm bảo an ninh trật tự.
Trước đó, ngày 7/10, Thanh tra TP Đà Nẵng đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý về môi trường tại Công ty CP Thép Dana - Ý và Công ty CP Thép Dana - Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thanh tra TP Đà Nẵng chỉ rõ, 2 nhà máy thép này hoạt động không phù hợp với chủ trương của UBND TP về việc không cho đầu tư lắp đặt mới lò luyện thép trong các khu công nghiệp (KCN), vượt công suất (100.000/10.000 tấn/năm đối với Dana - Ý, 300.000/150.000 tấn/năm đối với Dana - Úc).
Theo kết quả thanh tra, trong quá trình hoạt động, 2 nhà máy đã thay đổi một số máy móc, thiết bị của hệ thống lò luyện không đúng với dây chuyền đã đăng ký theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Trung tâm Xúc tiến đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký của công ty, xử lý, trình UBND TP cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư là không đúng quy định. Trong quá trình hoạt động, 2 nhà máy còn các tồn tại, vi phạm về thực hiện công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.