Giữ hồn cốt chợ Cồn
Ngày 18/6, UBND TP Đà Nẵng trao giải cuộc thi phương án thiết kế kiến trúc chợ Cồn. Có 21 phương án thiết kế tham gia dự thi. Kết quả, ban tổ chức trao 2 giải Nhì, 1 giải Ba và giải Cộng đồng, không có giải Nhất.
Cụ thể, 2 giải Nhì, mỗi giải trị giá 200 triệu đồng thuộc về: Công ty CP Kiến trúc Xây dựng Nhà Vui và Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng. Giải Ba - 100 triệu đồng cho Công ty TNHH GK Archi. Giải Cộng đồng với 40 triệu đồng thuộc về Công ty TNHH MTV Tư vấn Thiết kế và Đầu tư Xây dựng – Bộ Quốc phòng.
Chia sẻ về sản phẩm đoạt giải của Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, KTS Doãn Thế Trung cho biết, khi bắt tay vào thực hiện phương án kiến trúc chợ Cồn thực sự là thách thức quá lớn vì lịch sử của Đà Nẵng, và vì thăng trầm của chợ Cồn.
Phối cảnh tổng thể phương án kiến trúc chợ Cồn đoạt giải Nhì của Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng. |
“Một đô thị thì phải có quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì thế, trong suy nghĩ khi làm dự án, chúng tôi có sự bảo tồn. Xuất phát từ đó, chúng tối bắt đầu tư duy về công năng, về các vấn đề về kỹ thuật. Chúng tôi phải làm thể nào để đảm bảo số lượng sạp ở chợ Cồn, rồi vấn đề kinh tế xã hội. Đặc biệt, do người ta cải tạo, đô thị hóa dẫn tới mất đi chợ truyền thống. Vì thế, bài học ấy đã giúp chúng tôi đưa ý tưởng vào đồ án chợ Cồn để làm thế nào giữ được hồn cốt của nó””, KTS Doãn Thế Trung chia sẻ.
Phối cảnh chợ Cồn phía đường Hùng Vương trong phương án kiến trúc của Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng. |
Điểm nhấn trong phương án thiết kế chợ Cồn của Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, theo KTS Doãn Thế Trung: Đầu tiên là việc bảo tồn tòa trung tâm thương mại cũ và tạo ra mối liên hệ của nó với tòa nhà mới. Bên cạnh đó là khu vực ở giữa trở thành phố đi bộ, đây sẽ là sản phẩm để khai thác du lịch.
“Một điểm quan trọng nữa là giữ lại phần chợ xanh ở tầng 1, vì tiếp cận chợ xanh chính là giữ lại hoạt động chính của chợ cho công trình mới. Đó là 3 yếu tố quan trọng trong đồ án của chúng tôi”, KTS Doãn Thế Trung cho hay.
Chợ vẫn phải là chợ!
Trong khi đó, tiêu chí phương án kiến trúc chợ Cồn cùng đoạt giải Nhì của Công ty CP Kiến trúc Xây dựng Nhà Vui là: Chợ vẫn phải là chợ!
KTS Nguyễn Thu Phong – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Nhà Vui cho rằng, phương án kiến trúc chợ Cồn là đề bài khó. Vì chợ Cồn là nơi được quá sức yêu mến đối với người dân Đà Nẵng.
“Khi chúng tôi đi khảo sát thực tế thì thấy đời sống kinh tế và kinh doanh của bà con quá phồn thịnh, quá sung túc. Vì thế, việc va chạm vào một công trình mới mọc lên trên một mảnh đất cũ, nơi kinh doanh truyền thống, tôi hiểu đó là một sự xung đột, nhưng phải có một sự đối thoại, có thấu hiểu mới làm được đề bài mà nhận được sự đồng thuận từ nét vẽ, giải pháp cho đến viễn cảnh tương lai. Lấy ví dụ thực tế về nguy cơ các khu chợ không người thuê, các cuộc đình công nho nhỏ của tiểu thương về tái cấu trúc các gian hàng, vì đó là nồi cơm manh áo, là sự gắn bó lâu đời của các gia đình. Vì thế, trách nhiệm lớn nhất của người thiết kế là phải bám sát đề bài và dây chuyền công năng”, KTS Nguyễn Thu Phong cho biết.
Cũng theo KTS Phong, số lương 2.011 hộ tiểu thương của chợ Cồn hiện là con số lớn. Hiện họ chưa được sắp đặt khoa học và bài bản, an toàn về thông thoáng cũng như vệ sinh môi trường.
“Trong một ngôi chợ mới, ngoài yếu tố công năng mới thì vẫn phải đảm bảo thỏa đáng cho việc tái cấu trúc các lô kinh doanh cũ, cũng như có dự báo phát triển. Tỷ lệ tăng trưởng chúng tôi đặt ra đạt từ 15% cho hầu hết các gian hàng”, ông Phong cho hay.
Về mặt giao thông, theo KTS Phong, chợ Cồn tuy có diện tích trên 10.000m2 nhưng khả năng tiếp cận các lối giao thông khó, không có bãi đậu xe, thiếu hụt trầm trọng. Các không gian văn hóa để có thể mở rộng chợ hiện đại như chợ đêm, buôn bán hàng rong hay những phố ẩm thực, phân tách giữa khách du lịch vãng lai, khách du lịch đến Đà Nẵng với khách là người dân truyền thống chưa giải đáp được.
“Đề bài vừa là chợ truyền thống phía dưới, vừa trung tâm thương mại phía trên. Vì thế, tiêu chí chúng tôi đặt ra “chợ trước hết phải là chợ”, không quá đeo đuổi những hình thức kiến trúc mạnh bạo quá, xa lạ với bà con. Chúng tôi đặt ra một ngôi chợ hiện đại nhưng vẫn có dáng vóc của thành phố mà kinh tế năng động, triển vọng như Đà Nẵng. Đồng thời, vẫn lưu giữ và đảm bảo những nhu cầu thiết thực nhất của bà con tiểu thương và người dân Đà Nẵng”, Kts Phong nói.
Chợ Cồn ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XX. Nằm trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố nên người dân địa phương quen miệng gọi thành tên chợ Cồn. Ngay từ ngày mới ra đời chợ đã tập trung được số lượng lớn người tham gia buôn bán, ngoài người dân địa phương còn có những người từ các vùng quê của Quảng Nam. Tháng 12/1984, chợ Cồn được phá dỡ để xây mới hoàn toàn. Sau 100 ngày thi công, vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29/3/1985, chợ hoàn thành và đưa vào khai thác với một dãy nhà 3 tầng có diện tích 3.480m2, hai dãy nhà 2 tầng có diện tích 1.562m2 và dãy nhà cấp 4 có diện tích 8.828m2 cùng hàng loạt các công trình, cơ sở hạ tầng như đường sá, vỉa hè, cống rãnh... Từ đó, chợ Cồn mới thực sự đi vào nền nếp và phát triển mạnh. Chợ Cồn hiện tọa lạc tại số 318 Ông Ích Khiêm, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu; ngay ngã tư đường Hùng Vương – Ông Ích Khiêm và tiếp giáp với các tuyến giao thông quan trọng. Chợ Cồn không chỉ đơn thuần là nơi để khách đến mua sắm mà còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với những ai một lần đến thăm Đà Nẵng. Nói như dân gian, “từ cây kim đến chiếc phi thuyền”, chợ Cồn đều cung cấp đầy đủ. |