Đó là khẳng định của ông Huỳnh Đức Thơ Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại buổi Họp báo tổng kết năm 2017 của TP Đà Nẵng diễn ra hôm nay (11/1). Ở thời điểm hiện tại, TP Đà Nẵng quản lý đăng ký của 61.000 xe ô tô và trên 800.000 xe máy, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc khiến cho hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ trên địa bàn thành phố ngày càng diễn biến phức tạp.
|
Ông Huỳnh Đức Thơ Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì họp báo |
Trong thời gian qua, TP đã đưa vào vận hành 2 công trình hầm chui để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại nút phía tây Cầu Rồng và nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Theo đề án, trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai công trình hầm chui tại nút giao thông trọng yếu khác đó là khu vực phía tây cầu Trần Thị Lý.
Theo Đại tá Lê Ngọc Trưởng phòng CSGT – Công an TP Đà Nẵng, với tốc độ phát triển như hiện nay, dự kiến đến năm 2020 số lượng ô tô đăng ký tại TP Đà Nẵng sẽ tăng lên khoảng 100.000 phương tiện và xe máy sẽ ở mức trên 810.000 phương tiện. Như vậy, những nguy cơ về ùn tắc giao thông sẽ ngày càng gia tăng do quy hoạch không đi kịp với nhu cầu.
Thời điểm hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông của Đà Nẵng đang rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt là hệ thống bãi đậu xe, để khắc phục tình trạng trên TP đã cho phép sử dụng một số lòng đường để làm bãi đỗ xe có thu phí. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các phương tiện cá nhân của người dân ngày càng gia tăng.
Về vấn đề này, ông Trần Dân Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng cho biết, việc nâng cấp hạ tầng giao thông tại trung tâm TP Đà Nẵng sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề này. TP cần phải phát triển hệ thống giao thông công cộng, hạn chế các phương tiện có kích thước lớn vào trung tâm TP và chú trọng vấn đề xây dựng bến bãi đỗ xe ở xa khu vực trung tâm TP.
Trong năm 2017, Sở GTVT Đà Nẵng đã được UBND TP giao nghiên cứu đề án kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân vào trung tâm TP để giảm ùn tắc và việc hạn chế xe cá nhân sẽ được thực hiện cho cả phương tiện xe ô tô và xe máy. Tuy nhiên, theo đánh giá thì phương án này hiện khó khả thi và cần bộ máy vận hành lớn kèm theo đó là chi phí để thực hiện.
Trước thực tế trên, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở GTVT Đà Nẵng là đơn vị chủ trì xây dựng đề án phân luồng, tuyến giao thông tại khu vực trung tâm TP, trong đó nội dung cấm các phương tiện vận tải hành khách từ 30 chỗ ngồi trở lên vào trung tâm TP cũng được đưa vào đề án.
“UBND TP đã giao cho Sở GTVT làm chủ trì cùng với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng đề án phân luồng giao thông tại khu vực trung tâm TP. Vấn đề trước mắt hiện nay TP sẽ chỉ đạo nhanh chóng đầu tư xây dựng hệ thống bãi đỗ xe đã được quy hoạch và sau đó sẽ nghiên cứu để đưa vào thực hiện quy định cấm xe vận tải hành khách có kích cỡ lớn vào các khu vực trung tâm TP” ông Huỳnh Đức Thơ nói.