Để “trả lại mùa hè” cho HS, từ năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã quyết định cho HS nghỉ hè từ ngày 1/6 đến 31/8.
Ngày 2/11, tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng thành công đổi mới giáo dục phổ thông” do Quỹ hỗi trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) tổ chức, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh chia sẻ: Trong thời gian 3 tháng hè, các em HS TP Đà Nẵng thực sự được vui chơi, được đi du lịch với gia đình nếu có điều kiện. Các em cũng được tham gia những hoạt động tình nguyện, chương trình ánh sáng văn hóa hè, học các môn năng khiếu thể thao, tham gia câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng sống.
Để làm sống lại bầu không khí nô nức, háo hức, hồi hộp… trong ngày khai giảng năm học mới, trong buổi đầu đi học trường mới của HS đầu cấp, 3 năm học trước, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã quyết định tựu trường vào ngày 1/9 và khai giảng vào Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường. Sở cũng quán triệt, lễ khai giảng diễn ra trong không khí ngắn gọn, trang trọng, lãnh đạo không phát biểu, tất cả vì HS… đã giảm đi nhiều phiền hà, áp lực, nặng nề trước đây.
Mở cổng trường học, xây dựng tủ sách mở
Giám đốc Nguyễn Đình Vĩnh cũng chia sẻ, về việc ngành GD&ĐT Đà Nẵng mở cổng trường học, thư viện, xây dựng tủ sách mở cho HS nhằm giải tỏa những bức xúc của nhân dân về tình trạng thiếu sân chơi cho HS trong hè. Hơn nữa, đây cũng là cách để Sở GD&ĐT Đà Nẵng quyết tâm xây dựng thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc trong trường học. Do đó, chương trình mở cổng trường học, thư viện, các khu tập thể dục thể thao, những tủ sách mở các ngày trong tuần (trừ ngày lễ, Tết, Chủ nhật) để HS, nhân dân đến vui chơi, đọc sách, tập luyện thể dục thể thao, tham gia CLB âm nhạc, võ thuật… đã được triển khai mạnh mẽ.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với Sở Xây dựng triển khai chương trình trường học sáng ánh đèn, lắp đặt nhiều đèn cao áp kết nối với hệ thống điện chiếu sáng TP tại nhiều trường học để phục vụ HS, nhân dân vào ban đêm. “Chương trình này của ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã thực sự đem lại một không khí mới, hơi thở mới, làm cho trường học rộn ràng, vui vẻ và sôi động hơn trong những tháng hè” - ông Vĩnh chia sẻ.
Đưa trò chơi dân gian vào trường học
Trước thực tế ngày càng có ít HS biết và chơi các trò dân gian và trước những tác hại của trò chơi trực tuyến, mạng xã hội, Sở GD&ĐT TP phát động tổ chức trò chơi dân gian trong trường học. Với thông điệp “Hãy ngăn chặn các trò chơi vô bổ bằng việc phát huy tốt trò chơi dân gian trong trường học”, từ mùa hè năm 2018 các trường học ở TP biển đã xây dựng kế hoạch và xem đây là nhiệm vụ quan trọng cần được tổ chức thường xuyên, liên tục.
Theo quan điểm của ngành GD&ĐT Đà Nẵng, trò chơi dân gian không đơn thuần là trò chơi mà chứa đựng các yếu tố văn hóa dân tộc độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian nâng cánh cho tâm hồn trẻ giúp phát triển tư duy, sáng tạo, sự khéo léo và tạo điều kiện cho HS hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương đất nước.
Lan tỏa chương trình “Ngày yêu thương”
“Ngày yêu thương” cũng là chương trình thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, giáo viên, HS, mạnh thường quân. Đã có nhiều thực phẩm, quần áo, chăm mền, đồ chơi, vở, bút, dụng cụ học tập, áo quần, sách giáo khoa cũ, sách tham khảo, truyện được quyên góp, giúp đỡ HS ở các trường, điểm trường khó khăn và HS miền núi ở tỉnh Quảng Nam.
Để “Ngày yêu thương” tiếp tục được lan tỏa, với mong muốn các bạn HS miền núi bớt giá lạnh khi mùa đông sắp về, ngành GD&ĐT Đà Nẵng phát động phong trào “Áo quần sạch đẹp tặng bạn mùa đông”. Những trường THPT được phân công nhận quần áo, áo ấm cũ từ các đơn vị quyên góp chuyển về, tổ chức cho giáo viên trẻ, HS nhận giặt, ủi, xếp, đóng gói ni lông, tổ chức tặng cho HS trường vùng sâu, miền núi trước khi mùa đông đến…
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh, phong trào này không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành ủy Đà Nẵng mà còn phát huy truyền thống tương thân, tương ái, giáo dục lòng nhân ái, sự sẻ chia, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng cho mỗi HS TP biển thân yêu.