Sau khi EU huỷ bỏ những biện pháp trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, nhiều nước thành viên EU đã nhanh chóng khôi phục quan hệ hợp tác với Iran, đặc biệt về kinh tế, thương mại và đầu tư. Cả EU lẫn Iran đều muốn khởi đầu mới mối quan hệ song phương.
Iran muốn đi cả hai chân trong quan hệ với EU ở thời kỳ mới là song hành thúc đẩy quan hệ hợp tác với EU nói chung và với từng nước thành viên EU nói riêng. Iran khai thác và tận lợi từ đó tác động của sự bổ xung cho nhau và của con bài đối trọng. EU vừa phải tạo những điều kiện khung thuận lợi cần thiết để các nước thành viên phát triển quan hệ hợp tác với Iran vừa phải lưu ý ngăn cản các nước thành viên EU ganh đua tranh giành thị trường Iran gây bất lợi cho EU và xung khắc lợi ích lẫn nhau.
Cả hai phía còn đều phải để ý đến Mỹ trong suy tính lợi ích. Càng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với EU nói chung và với các thành viên EU nói riêng, có nghĩa là càng ràng buộc được chặt hơn EU và các thành viên EU vào quan hệ hợp tác với mình, Iran càng có lợi thế và có được đối trọng trong quan hệ với Mỹ. EU cũng không thể không nhận thấy rằng chừng nào quan hệ giữa Mỹ và Iran chưa thực sự bình thường như hiện tại thì chừng đó EU còn có cơ hội và điều kiện để nhanh chân xí phần trên thị trường ở Iran.
Hai bên hiện đang tương đồng trong suy tính về thời thế và lợi ích. Dù vậy vẫn còn một số bất đồng quan điểm cản trở sự khởi đầu mới. EU vẫn còn duy trì những biện pháp trừng phạt Iran liên quan đến đánh giá của EU về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Iran. EU vẫn còn rất nghi hoặc và lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran.
EU công nhận vai trò của Iran trong việc giải quyết những vấn đề chính trị an ninh thời sự hiện tại ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, nhưng lại thiên lệch về phía những đối thủ của Iran trong khu vực đang tìm mọi cách cản trở Iran vươn lên trở thành cường quốc khu vực. Cả Iran cũng không thể bỏ qua được những hạn chế này. Trong cái mới và thuận lợi vẫn còn không ít cái khó đối với cả hai bên.