Nghề lắm công phu Theo lời các bậc cao niên trong làng, thời xưa, cà dầm tương là sản phẩm truyền thống của làng chuyên để tiến vua hoặc làm quà biếu. Kể về nghề làm cà dầm tương, ông Nguyễn Tiến Tiệp, cụm 5, Hòa Thôn, xã Tam Hiệp, một trong những hộ làm cà dầm tương nổi tiếng nhất của địa phương không giấu nổi niềm tự hào bởi đây là một trong những sản phẩm nông sản dân dã nhưng chế biến vô cùng cầu kỳ, công phu và mất thời gian: Cà để dầm tương phải là cà loại một, quả to, tròn đều và hái trong những ngày nắng đẹp. Nếu hái khi trời vừa mưa hoặc cà lứa nhánh sẽ không ngon. Cà bát sau khi muối khoảng 20 ngày sẽ được ép kiệt nước bằng máy, rồi dùng que nhọn châm quanh trái, sau đó thả vào chum tương. Cứ thế, cà thấm dần những tinh túy, vị thơm ngon của tương gạo nếp rồi nở căng dần lên. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Tiệp muối khoảng 1,5 – 2 tấn cà dầm tương, thu về trên 100 triệu đồng.
Với nhiều người dân Tam Hiệp, cà dầm tương là một món ăn dân dã nhưng không hề bình dân, bởi giá bán bình quân 25.000 – 30.000 đồng/quả. Cà muối sau khi được dầm tương đủ một năm sẽ căng tròn. Khi ăn, đem thái mỏng rửa qua với nước sôi, rồi trộn với dấm, tỏi, ớt, đường. Cà ăn có vị mặn đặc trưng nhưng càng nhai thì càng thấy vị ngọt thấm dần vào đầu lưỡi. Kỳ vọng phát triển
Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, nhu cầu thưởng thức ẩm thực của người dân ngày càng cao, người “sành ăn” bắt đầu chú ý tới cà dầm tương. Bởi vậy, nghề muối cà dầm tương ở Tam Hiệp có điều kiện phát triển trở lại. Theo thống kê của UBND xã Tam Hiệp, hiện toàn xã có gần 10 hộ làm nghề muối cà dầm tương với mức thu nhập khá. Sản phẩm cà dầm tương Tam Hiệp đã có mặt ở một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác. Thậm chí, món ăn dân dã này còn theo cả những chuyến bay đi tới các nước xa xôi như Séc, Nga, Pháp… Hiện nay, cơ sở sản xuất cà dầm tương của ông Tiệp và các hộ dân khác nhận được khá nhiều đơn hàng nên có thời điểm không có hàng để bán. Bởi muối cà dầm tương sớm nhất cũng phải một năm mới được ăn, còn lại nếu để 2 – 3 năm thì chất lượng càng thơm ngon hơn và giá thành cũng đắt hơn. Nhận thấy tiềm năng phát triển của nghề, mới đây, Hội Nông dân huyện Phúc Thọ đã đứng ra hỗ trợ địa phương thành lập “Tổ hội nghề nghiệp làm cà dầm tương” do ông Tiệp làm Tổ trưởng với gần 20 hội viên. Trong đó, ông Tiệp trực tiếp đứng ra đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật làm nghề cho các thành viên khác. Điều đáng mừng là Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ cũng định hướng phát triển cà dầm tương trở thành một trong những sản phẩm du lịch của địa phương. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nghề truyền thống này có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Nói như ông Hoàng Văn Kha – Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, cà dầm tương không chỉ là đặc sản mà còn góp phần đa dạng hóa ngành nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Hiện, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ chiếm khoảng 90% cơ cấu kinh tế của xã Tam Hiệp và thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Tiến Tiệp kiểm tra vại cà dầm tương. Ảnh: Quang Thiện |
Để phát triển hơn nữa nghề muối cà dầm tương, nhiều hộ dân đề nghị được quan tâm hỗ trợ vốn và đặc biệt là xây dựng thương hiệu để bảo vệ sản phẩm trên thị trường. |