Kinhtedothi - Tại hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp quả na Chi Lăng năm 2016 do Sở NN&PTNT Lạng Sơn tổ chức ngày 16/8, đại diện các DN phân phối, tiêu thụ nông sản thực phẩm của Hà Nội đề nghị địa phương phân loại na theo mẫu mã, chất lượng. Qua đó, các DN sẽ hợp tác, tiêu thụ na loại một về thị trường Thủ đô. Hội nghị xúc tiến thương mại được tổ chức tại “vựa na” Chi Lăng đúng vào mùa thu hoạch rộ phục vụ thị trường Rằm Tháng Bảy. Cây na Chi Lăng được trồng trên núi đá vôi dọc đường Quốc lộ 1A, được bà con thôn Minh Khai, xã Chi Lăng lấy giống từ Hoài Đức (Hà Nội) di thực đem về trồng từ 1986. Do phát huy được thế mạnh của điều kiện đất đai, khí hậu, diện tích trồng na không ngừng mở rộng ra 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chi Lăng. Đến nay, diện tích trồng na toàn huyện là hơn 1.300ha, sản lượng hàng năm đạt trên 12.000 tấn. Năm 2011 sản phẩm quả na của Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu “Na Chi Lăng”. Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập đặc sản Na Chi Lăng nằm trong Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Các DN thăm vùng sản xuất na tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. |
Na Chi Lăng nổi tiếng khi chín có mẫu mã đẹp, lượng hạt ít, cùi nhiều, hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao. Với giá thị trường như hiện nay, các nhà vườn trồng na bán 30.000 đồng/kg tại vườn, cao điểm những ngày đầu vụ giá bán tới 60.00 – 80.000 đồng/kg. Có những gia đình thu nhập từ bán na lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Đoàn Thanh Sơn, các kênh tiêu thụ nhưng vẫn còn đơn điệu, xuất hiện nhiều rủi ro trong kinh doanh. Ngoài ra, do thị trường có nhiều loại na nên các lái buôn thường mang na từ nơi khác đến bán tại địa bàn huyện, lợi dụng thương hiệu “Na Chi Lăng” làm cho giá bán na Chi Lăng thường xuyên biến động ảnh hưởng đến thương hiệu.
Đặc sản na Chi Lăng nổi tiếng cả nước |
Chính vì vậy, địa phương mong muốn được hợp tác, đưa sản phẩm na về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Tại hội nghị, đại diện các DN phân phối, kinh doanh thực phẩm sạch của Hà Nội đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm na đưa về tiêu thụ tại Thủ đô. Qua thăm thực tế vùng sản xuất, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch CleverFood Hà Minh Đức chia sẻ, hiện nay người dân Chi Lăng vẫn xếp na chung vào một sọt đem bán, không có sự phân loại. Điều này làm giảm giá trị của sản phẩm. Ông Đức đề nghị, địa phương hỗ trợ, khuyến cáo người trồng na phân loại na trước khi đem bán. “Chúng tôi muốn mua na loại một về tiêu thụ tại Hà Nội” – ông Hà Minh Đức bày tỏ. Cũng tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Bá Bằng đề nghị địa phương làm rõ hơn quy trình sản xuất đối với cây na. Đồng thời lập danh sách các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để có thể khớp nối với các DN phía Hà Nội trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trước những ý kiến trao đổi của phía Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, sản phẩm na Chi Lăng ngon, bổ dưỡng nhưng để đẩy mạnh phát triển, tiêu thụ thì vẫn còn nhiều việc phải làm, từ đầu tư giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo quản… Bà Nhàn khẳng định, Sở sẽ chỉ đạo lựa chọn một số DN, HTX tiêu biểu làm đầu mối gửi hàng xuống cho Hà Nội để hợp tác lâu dài.