Tại phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Danh) cho rằng, khi chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (tiền thân VNCB) cho Danh thì bà Hứa Thị Phấn đã chuyển nhượng cho ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương mà không thanh toán một đồng nào. Ngay sau đó, ông Thắm đã chuyển nhượng lại cho bị cáo Danh trong khi nhóm bà Phấn đã ký thoả thuận chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ với nhóm của Danh vào ngày 6/6/2012 với tổng giá trị lên tới 4.600 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 17/8. Ảnh: Công Tiến |
Theo lời khai của Danh, bị cáo cảm thấy mình bị lừa dối khi mua lại cổ phần của nhóm bà Phấn và đã trả được gần 3.700 tỷ đồng mới biết tài sản không bán được. Đồng thời, Danh đã đưa cho Thắm 500 tỷ đồng. Danh cho rằng, đây là nguyên nhân lớn nhất khiến bị cáo không thể rút chân ra khỏi Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Về lý do tại sao trong lúc TrustBank đang khó khăn mà Danh vẫn chấp nhận chuyển nhượng? Bị cáo Danh cho biết, mình trả tiền không phải để mua ngân hàng này mà là để mua các bất động sản của nhóm khoảng 30 DN trong này mà bà Phấn là người đại diện. Trong đó, có 2 bất động sản ở quận 2 (TP Hồ Chí Minh) và huyện Nhà Bè sẽ có tiền để tái cơ cấu ngân hàng. Vì vậy, luật sư Hoài đã đề nghị HĐXX thận trọng xem xét lại bản chất, làm rõ nguyên nhân và bối cảnh xảy ra vụ án. Ngoài ra, theo luật sư Hoài, một vấn đề nữa cần phải làm rõ đó là mối quan hệ vay mượn giữa bà Trần Ngọc Bích và bị cáo Danh. Bởi, hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét hỏi tại tòa cho thấy có bằng chứng thể hiện quan hệ vay mượn giữa Danh và bà Bích nhưng đã bị phủ nhận. Thế nhưng, mối quan hệ này đã được làm rõ thông qua việc bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã nhiều lần trả tiền cho nhóm bà Bích với tổng số tiền 2.700 tỷ đồng. Đồng thời, Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp cho Cơ quan điều tra nhiều hồ sơ chứng từ ghi nhận việc này. Về số tiền của nhóm bà Bích, luật sư Hoài cho rằng, do bà Bích phủ nhận việc cho Danh vay rồi sau đó đã khởi kiện ra TAND quận 3 (TP Hồ Chí Minh) trong khi VNCB vẫn đang nắm giữ 124 sổ tiết kiệm nên không có căn cứ cho rằng VNCB bị thiệt hại 5.490 tỷ đồng. Một lần nữa, luật sư đại diện tiếp tục yêu cầu cần phải xem xét các khoản tiền nhằm làm rõ hậu quả thiệt hại trong vụ án, đặc biệt việc đưa khoản tiền 5.490 tỷ đồng vào hậu quả của hành vi cố ý làm trái chưa được xem xét, làm rõ. Vị luật sư này cho rằng, đây là những chứng cứ có ý nghĩa quan trọng dùng để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Danh, cũng như nhằm giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Vì vậy, luật sự đã đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung các vấn đề chưa được đánh giá khách quan, toàn diện nêu trên. Ngoài ra, luật sư Hoài cũng mong HĐXX tạo điều kiện cho Tập đoàn Thiên Thanh và gia đình của bị cáo Danh được đàm phán, thoả thuận chuyển nhượng Dự án Sân vận động Chi Lăng để có điều kiện khắc phục triệt để những thiệt hại trong vụ án.