Tại buổi xét xử, luật sư Quang Anh bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai - nguyên Tổng Giám đốc VNCB đã đưa ra nhiều lập luận chứng minh thân chủ của mình “bị oan”.
Bị cáo Phan Thành Mai tại phiên tòa (Ảnh: Công Tiến) |
Tại phiên tòa, luật sư Quang Anh đã đưa ra những chứng cứ theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện thời gian công tác khi Mai không đủ 5 năm làm việc tại ngân hàng để được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc. Vì vậy, bị cáo Mai phạm tội liên quan đến chức vụ này thì được miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự. Tiếp đó, luật sư Quang Anh cũng đưa ra các chứng cứ chứng minh quyết định số 12 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu VNCB phải báo cáo đối với mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên là không đúng và bản thân quyết định này đã gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng lúc bấy giờ. Theo lập luận của luật sư này, Thanh tra của NHNN đã kết luận trong trường hợp đề án tái cơ cấu không được phê duyệt thì đề nghị Thống đốc NHNN đặt VNCB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, đề án tái cơ cấu sau đó đã được NHNN phê duyệt nên giai đoạn từ năm 2012 - 29/7/2014, VNCB chỉ ở trong tình trạng giám sát đặc biệt chứ không phải tình trạng kiểm soát đặc biệt. Chính vì vậy, luật sư Quang Anh cho rằng, khi VNCB trong tình trạng giám sát đặc biệt thì NHNN chỉ được quyền cử cán bộ đến để giám sát chứ không được thông qua các giao dịch. Từ đó, luật sư khẳng định, trong trường hợp này, VNCB và các bị cáo không có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Tổ giám sát về hoạt động của mình. Về cáo buộc lập hồ sơ khống thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh của VNCB để rút 601 tỷ đồng, luật sư Quang Anh cho rằng, điều này không có cơ sở. Bởi, bị cáo Mai làm việc này xuất phát từ nhu cầu thực của ngân hàng lúc đó, có triển khai thực hiện trên thực tế và không cần phải báo cáo Tổ giám sát như đã phân tích ở trên. Về việc thực hiện đề án Corebanking, luật sư Quang Anh cho rằng, Mai làm việc này là do Phạm Công Danh đang rất cần tiền. Đồng thời, bị cáo Mai đã dựa vào nhu cầu có thật và cấp thiết của ngân hàng để lập dự án rút tiền nhằm tái cơ cấu chứ không phải hành vi lập khống dự án. Còn đối với số tiền 5.490 tỷ đồng của VNCB cho nhóm bà Trần Ngọc Bích vay, đồng quan điểm với luật sư bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư Quang Anh cũng cho rằng, VNCB không bị thiệt hại về số tiền nói trên. Vị luật sư này đưa ra lập luận, bị cáo Mai không là đồng phạm giúp sức cho Danh do không hề biết, không tham gia và không chỉ đạo việc cho nhóm bà Trần Ngọc Bích vay bằng cách cầm cố các sổ tiết kiệm khoản tiền trên. Đồng thời, trong các hành vi này, bị cáo Mai có duy nhất hành vi ký biên bản họp Hội đồng quản trị và các văn bản gửi chi nhánh nhưng khi số tiền trên đã giải ngân xong nên không chịu trách nhiệm hình sự là có cơ sở.Theo luật sư Quang Anh, trong trường hợp nhóm bà Trần Ngọc Bích không thừa nhận việc chuyển tiền thì có thể khởi tố vụ án độc lập về việc chiếm đoạt số tiền nói trên… Cũng tại phiên tòa, lý lịch của bị cáo “đầu vụ” Phạm Công Danh một lần nữa bị bóc mẽ. Đó là án tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà Danh phải nhận vào năm 1992. Theo đó, Danh vốn có nghề sản xuất gạch hoa nên đã liên kết với nhiều nơi để ký kết hợp đồng sản xuất. Từ đó, Danh đã liên kết với Bộ tham mưu quân khu 5 để sản xuất vật liệu xây dựng. Ngày 16/6/1989, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có quyết định thành lập Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và dịch vụ sản xuất trực thuộc Bộ tham mưu Quân khu 5 và bổ nhiệm Danh làm giám đốc. Tuy nhiên, khi được bổ nhiệm, Danh không lo kiện toàn bộ máy tổ chức, đầu tư thiết bị mà đã sử dụng chức danh và con dấu của xí nghiệp để lao vào những hoạt động phi pháp…