Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại án tham nhũng rúng động và hàng ngàn tỷ đồng phải thu hồi thế nào?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Vinalines - và đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt...

Kinhtedothi - Vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Vinalines - và đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước. Trong đó, bản án của tòa buộc Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Vinalines - phải nộp án phí 218 triệu đồng và liên đới bồi thường 110 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, việc xác định tài sản, quyền sở hữu tài sản, điều kiện thi hành án và xử lý tài sản của Dương Chí Dũng để thi hành án đang gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn trong việc xác minh tài sản, thu hồi

Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, bản án của tòa buộc Dương Chí Dũng phải nộp tiền bồi thường 110 tỷ đồng nhưng tới nay mới chỉ tự nguyện nộp lại hơn 5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ rất thấp.

Đại diện Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho rằng, việc xác định tài sản, quyền sở hữu tài sản, điều kiện thi hành án và xử lý tài sản của các đối tượng như Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong các vụ việc thi hành án giá trị lớn gặp rất nhiều khó khăn do xuất phát từ các mối quan hệ kinh tế, sở hữu chéo. Trong khi, chính sách pháp luật một số điểm chưa phù hợp; hoặc việc thiếu minh bạch trong giao dịch kinh tế, dân sự hoặc có sự che giấu, tẩu tán tài sản.
Đại án tham nhũng rúng động và hàng ngàn tỷ đồng phải thu hồi thế nào? - Ảnh 1
Điều kiện thi hành án và xử lý tài sản của các đối tượng như Dương Chí Dũng, Bầu Kiên, Huyền Như gặp rất nhiều khó khăn.
Tương tự, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm gây chấn động thị trường tài chính Việt Nam năm 2014 với khoản tiền mà 22 bị cáo phải bồi thường gần 14.000 tỷ đồng đang trong giai đoạn thi hành án, nhưng số tiền thu hồi được rất thấp, gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh tài sản, thu hồi.

“Dù vụ án có số tiền phải thi hành án lớn nhưng khi xác minh thì tài sản của các bị cáo trong vụ Huyền Như còn lại quá ít, thậm chí gần như không có. Đây cũng là nguyên nhân tỷ lệ thành công trong thi hành án dân sự với những vụ có tài sản lớn thường rất thấp, do các đối tượng phạm tội thường tẩu tán tài sản từ trước…” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhận định tại cuộc họp báo quý I/2016 của Bộ Tư pháp ngày 8/4.

Dương Chí Dũng có thoát án tử?

Xung quanh quy định mới trong Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 cho phép người phạm tội tham nhũng có thể khắc phục hậu quả để thoát án tử hình, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự, Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, để thoát án tử thì ngoài điều kiện phải dùng tiền khắc phục hậu quả còn phải đáp ứng được điều kiện thứ hai là tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để điều tra vụ án và phát sinh thêm tình tiết mới, quan trọng như tố giác thêm tội phạm.

Liệu Dương Chí Dũng có thoát án tử nếu khắc phục hậu quả? Bà Thoa nhận định, việc này còn phải xem xét nhưng Dương Chí Dũng khó thoát án tử vì không đáp ứng được điều kiện thứ hai.

Theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự, 6 tháng qua, toàn ngành đã phát hiện và xử lý kỷ luật 46 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp bị xử lý hình sự. Kết quả thi hành án dân sự chưa có sự đột phá, số việc và tiền chưa có điều kiện thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều, trên 226.000 việc với tổng số tiền trên 83.300 tỷ đồng.