KTĐT – Chúng ta cần tạo điều kiện học tập, đầu tư cơ sở hạ tầng trường lớp, phương tiện học tập cho thầy cô giáo và các em học sinh. Bên cạnh đó, cần đảm bảo các điều kiện dạy và học của các thầy cô sao cho phù hợp với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên lề ĐH Đảng XI, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long và bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về các vấn đề xung quanh việc phát triển giáo dục và nguồn nhân lực tại khu vực ĐB Sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Thiếu nhân lực ngành y tế
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (Ảnh: Phạm Thịnh) |
- Hiện nay vấn đề nguồn nhân lực đang được tỉnh Vĩnh Long quan tâm như thế nào, thưa ông?
Cá nhân tôi hết sức quan tâm đến chủ trương tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn, tập trung lao động nghề ở nông thôn, về cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
- Để thực hiện được các vấn đề trên, theo ông chúng ta cần phải làm gì ?
Chúng ta cần tạo điều kiện học tập, đầu tư cơ sở hạ tầng trường lớp, phương tiện học tập cho thầy cô giáo và các em học sinh. Bên cạnh đó, cần đảm bảo các điều kiện dạy và học của các thầy cô sao cho phù hợp với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
- Vậy tỉnh Vĩnh Long đang gặp khăn gì?
Đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế. Hiện nay các bệnh viện, trạm y tế của tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng hết sức khang trang, tuy nhiên đang thiếu nghiêm trọng lực lượng bác sỹ, dược sỹ, y sỹ, kỹ thuật viên.
- Giải pháp mà các đại biểu của tỉnh Vĩnh Long kiến nghị là gì, thưa ông?
Vấn đề này chúng tôi nghĩ rằng Trung ương cần hết sức quan tâm tăng cường chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo cho trường đại học y, các trường cao đẳng y tế của các tỉnh. Nhà nước cần tạo điều kiện để đào tạo số lượng cán bộ tăng một cách nhanh chóng và có chất lượng tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân nhân từ cơ sở.
- Theo ông, đối với nguồn nhân lực tại cơ sở cấp xã, phường thì cần có sự quan tâm như thế nào?
Tôi nghĩ đào tạo nguồn nhân lực cho chính quyền cơ sở, nhất là ở xã phường và thị trấn là hết sức quan trọng. Bởi vì lực lượng này trực tiếp triển khai những chính sách chế độ những quy định pháp luật cũng như nghị quyết của Đảng ở tại cơ sở, vì vậy phải đào tạo lực lượng này có trình độ chuẩn có kiến thức chuyên môn cũng như gắn liền với các chính sách chế độ để họ yên tâm công tác.
Như vậy, chúng ta cần tăng cường các chính sách để thu hút những nhân tài thu hút các cán bộ giỏi cán bộ được đào tạo ở trình độ cao, tham gia vào hệ thống chính trị của nhà nước. Những người này cần được giữ những cương vị quan trọng để đủ sức lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Nâng vùng trũng ĐB Sông Cửu Long về giáo dục ngang bằng khu vực
Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. |
- Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đưa ra 3 đột phá để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, theo bà chúng ta cần phải quan tâm trước hết đến điều gì?
Trong 3 giải pháp này, tôi cho rằng giải pháp phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân là giải pháp đột phá chiến lược. Bởi vì nước ta đang trong giai đoạn dân số vàng; lực lượng lao động dồi dào nhưng nếu lực lượng lao động không có kỹ năng và trình độ thì sẽ dẫn tới thất nghiệp và là gánh nặng cho xã hội.
- Phải chăng chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay đang thua kém nhiều so với các nước trong khu vực?
Điều này hoàn toàn đúng. Nếu chúng ta nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, ngang bằng chất lượng khu vực và các nước phát triển thì nước ta có thể xuất khẩu chuyên gia chứ không phải xuất khẩu lao động phổ thông như hiện nay.
Có được nguồn nhân lực chất lượng cao thì chất lượng quản lý nhà nước cũng tốt hơn; thu hút đầu tư nước ngoài cũng tốt hơn và giải quyết vấn đề giảm nghèo cũng sẽ bền vững hơn.
- Bà có kiến nghị gì đối với giáo dục của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thưa bà?
Tôi cũng bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước có chính sách đầu tư lớn hơn trong lĩnh vực giáo dục ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để nâng vùng trũng về giáo dục ngang bằng khu vực.
Xin cảm ơn các đại biểu!