Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu HĐND TP Hà Nội hiến kế xử lý doanh nghiệp “chây ỳ” nộp tiền sử dụng đất

Hồng Thái. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đối với các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất kéo dài, chúng tôi kiến nghị UBND TP có biện pháp mạnh hơn, có thể thu hồi dự án, hoặc đơn vị phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước”.

Tại phiên thảo luận tình hình thực hiện kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội khóa XV, đại biểu Nguyễn Xuân Lưu - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đánh giá cao TP Hà Nội thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các quận, huyện tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, nêu thực trạng về cơ chế xử lý vấn đề thuê đất kéo dài.

Đại biểu Nguyễn Xuân Lưu - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nêu ý kiến tại phiên thảo luận tình hình thực hiện kinh tế xã hội 

Hiện nay, có một số dự án, chủ sử dụng đất ký hợp đồng thuê đất, đồng thời ký hợp đồng liên danh với nhà đầu tư để phát triển nhà. Họ cho rằng, đã ký được hợp đồng liên danh thì liên danh thực hiện dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, và họ từ chối việc nộp tiền nợ sử dụng đất. Trong khi đó, liên danh đầu tư thực hiện dự án chưa hoàn thiện thủ tục nên cũng chưa nộp tiền thuê đất và nợ. Tổ đại biểu Thanh Xuân kiến nghị UBND TP có biện pháp mạnh hơn, có thể thu hồi dự án, hoặc 1 trong 2 đơn vị phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.

Về cơ chế GPMB, tất cả các công trình đầu tư giao thông khi thực hiện thì các hạng mục điện, viễn thông đều phải hạ ngầm; kinh phí hạ ngầm do đơn vị điện lực, viễn thông chi trả. Còn ngân sách nhà nước khi đầu tư công chỉ đền bù theo hạng mục công trình theo giá trị hiện tại. Như vậy, một công trình sẽ có 2 phương án; trong đó, phương án bồi thường hỗ trợ theo quy định chỉ bồi thường hỗ trợ giá trị công trình nổi hiện tại (thông thường ít hơn).

“Ví dụ, dự án đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), phương án bồi thường hơn 1 tỷ đồng, nhưng muốn hạ ngầm thì phải 5 tỷ đồng. Như vậy, số tiền chênh lệch này theo nguyên lý là các doanh nghiệp về điện lực, viễn thông chi trả. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc thì các đơn vị điện lực, viễn thông chưa có kế hoạch vốn để thực hiện nội dung này. Do vậy, chúng tôi kiến nghị với Thành phố cho phép khi đầu tư công thì có thể ứng luôn nguồn kinh phí chênh lệch ra; các đơn vị điện lực, viễn thông có thể hoàn trả sau mới kịp tiến độ thực hiện dự án” - Đại biểu Nguyễn Xuân Lưu kiến nghị.

Về việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có một đối tượng các quận, huyện đang trăn trở là đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường ngoài công lập. Trong thời gian các học sinh nghỉ học, các thầy cô giáo cũng nghỉ. Tuy nhiên, các trường này không giống như các trường công lập, đội ngũ giáo viên trường ngoài công lập không được hưởng lương; do vậy, đội ngũ này nên được bổ sung vào đối tượng để xét trợ cấp theo chủ trương Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Doanh nghiệp “chây ỳ” nộp thuế không được triển khai dự án mới

Trong phần giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ các doanh nghiệp nợ đọng thuế khoảng trên 30.000 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp có khả năng trả nợ 15.000 tỷ đồng; trên 15.000 tỷ đồng còn lại chủ yếu các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ kéo dài nhiều năm, qua các thời kỳ.

   Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

TP Hà Nội đã báo cáo Bộ Tài chính, và Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ, trình Quốc hội, đề xuất có thể giảm, hoãn, cắt nợ cho các doanh nghiệp không thể trả nợ bởi họ đã bị phá sản, quá trình kinh doanh gặp khó khăn của thập kỷ trước đây.

Đối với 15.000 tỷ đồng có thể thu hồi, UBND TP đã báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ, trực tiếp Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Ban thu hồi nợ đọng của TP, đồng thời đề ra kế hoạch với Cục Thuế Hà Nội, báo cáo Bộ Tài chính.

Cụ thể: Bước 1, Cục Thuế Hà Nội đã chủ trì gặp gỡ doanh nghiệp, thông báo tiền nợ trong tháng 3 – 4/2020. Bước 2, Cục Thuế Hà Nội đã có thông báo cụ thể số nợ này tới các doanh nghiệp. Bước 3, UBND TP tới đây sẽ ký văn bản thông báo này. Bước 4, UBND TP sẽ gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp. Bước 5, sau khi gặp gỡ, đối thoại, sẽ có thời hạn cho doanh nghiệp tự đóng thuế trên tinh thần TP giải thích rõ những doanh nghiệp nào có điều kiện nộp thuế là phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp thuế nợ đọng.

“Nếu doanh nghiệp không nộp thuế, TP có thể giao Cục Thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Đối với các doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ liên quan nợ đọng thuế, UBND TP sẽ không cho các doanh nghiệp này triển khai các dự án mới” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin.