Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu khách quan, công tâm và chính xác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Quốc hội (QH) công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhiều cử tri mà nhóm PV báo Kinh tế & Đô thị điện tử gặp gỡ, trao đổi đã bày tỏ hài lòng với kết quả này.

Đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu khách quan, công tâm và chính xác - Ảnh 1
Cử tri Mai Thị Vân.
Bà Mai Thị Vân (phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội): Đây là lần thứ hai các đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu và phê chuẩn. Theo tôi chủ trương này rất đúng đắn. Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố ngày 15/11, tôi nhận thấy các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu khách quan, công tâm, khá chính xác. Đặc biệt sự thay đổi về việc phiếu tín nhiệm cao đã được dành cho Bộ trưởng Bộ GTVT và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thể hiện rất đúng năng lực quản lý, điều hành và những thay đổi tích cực của hai lĩnh vực trên trong năm 2014. Hai ngành này trong thời gian qua đã có sự điều hành quyết liệt, đã có sự chuyển biến tích cực. Đây là một điều đáng khích lệ.

“Tôi rất mong việc bỏ phiếu tín nhiệm như thế này được tiến hành thường xuyên để các vị lãnh đạo biết được khả năng, trách nhiệm của mình được đông đảo Nhân dân cả nước đánh giá đến đâu mà cố gắng phấn đấu. Quan trọng hơn, dù chỉ phản ánh một phần trách nhiêm, công việc thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm hay không tín nhiệm thì mỗi chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cần phải tự nhận trách nhiệm xem mình đã hoàn thành được nhiệm vụ đến đâu để tiếp tục vươn lên,thực hiện tốt các nhiệm vụ, khẳng định lòng tin mà Đảng và Nhân dân giao phó” - Bà Vân nói.

Ông Nguyễn Đức Thụ, phố Hào Nam, Hà Nội: Cơ hội để lãnh đạo các ngành xét lại cách điều hành

Qua theo dõi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa qua, tôi thấy có sự thay đổi đáng kể so với năm trước, phản ánh phần nào hiệu quả điều hành của các vị trí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành. Một số lãnh đạo bộ, ngành năm trước có số phiếu tín nhiệm thấp như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng… thì năm nay đã có sự “cải thiện” đáng kể về độ tín nhiệm. Điều đó thể hiện ở cách quản lý điều hành của những tư lệnh ngành này trong năm qua đã hiệu quả hơn trên cơ sở rút kinh nghiệm từ năm trước. Lãi suất ngân hàng ổn định hơn năm trước, tiến độ xây dựng các công trình giao thông cũng được cải thiện… Đặc biệt, tôi ấn tượng với Bộ trưởng Đinh La Thăng vì nói được làm được. Còn ngành y tế trong năm qua có quá nhiều bất cập tồn tại, rồi các vụ tiêu cực nên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng là điều dễ hiểu.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh quan trọng để đánh giá năng lực điều hành, quản lý của lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ở một số vị trí lãnh đạo khác, kết quả vẫn chưa thực sự khách quan, chính xác. Tôi vẫn mong đợi một kết quả phản ánh đúng hơn, chính xác hơn ở tất cả các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

 
Đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu khách quan, công tâm và chính xác - Ảnh 2
Cử tri Phạm Khắc Tuyên
Theo ông Phạm Khắc Tuyên (Tổ dân phố 23D, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Trưng, Hà Nội), việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là việc làm sáng suốt và có tác động tích cực tới các vị trí được lấy phiếu tín nhiệm.

Qua kết quả được công bố, các vị trí được lấy phiếu tín nhiệm sẽ nhìn thấy được một cách tổng quan về năng lực của  mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đó có thể tự hoàn thiện và và phát huy hết năng lực của mình trong vai trò là một ĐB quốc hội. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là cách nâng cao vai trò giám sát, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đối với bộ máy Nhà nước.

Kết quả phiếu tín nhiệm được công bố lần này đánh giá một cách tương đối chính xác. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm thì Quốc hội cần có thêm một số giải pháp như: Dành riêng buổi chuyên đề về kết quả lấy phiếu tín nhiệm; đề nghị từng cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm phải có ý kiến về kết quả phiếu tín nhiệm của mình và có cam kết nếu không thể nâng cao mức tín nhiệm trong lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo thì sẽ phải nhận trách nhiệm gì trước Quốc hội..
.

Ngoài ra, đối với những vị trí có phiếu tín nhiệm cao cũng không được “thỏa mãn” mà phải thấy đó là động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với mức tín nhiệm cao mà mình đã đạt được. 

Theo ông Đào Lê Cường (phường Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội): Tôi cho rằng đó là kết quả tương đối chính xác. Những ngành có sự điều hành quyết liệt đã có sự chuyển biến tích cực. Những ngành như: Y tế, giáo dục, văn hóa còn rất nhiều vấn đề mà xã hội đang quan tâm nên kết quả chưa cao. Vì vậy, người dân hoàn toàn tin tưởng vào kết quả bỏ phiếu.
Đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu khách quan, công tâm và chính xác - Ảnh 3
Cử tri Nguyễn Thị Minh Huệ.

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ (phường Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) cho biết: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố đúng như đánh giá của người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế vẫn còn một số tồn tại chưa khắc phục nên phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu còn thấp.
Với tư cách cử tri, cử tri mong muốn các chức danh đã được tín nhiệm cao tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Đồng thời, Quốc hội tiếp tục duy trì việc lấy phiếu tín nhiệm trong những năm tiếp theo.

Cử tri Nguyễn Thành Trung (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Tôi nhận thấy kết quả bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua đã thể hiện được đúng hiệu quả công việc của các vị trí được lấy phiếu tín nhiệm. Tôi hy vọng những vị có tín nhiệm cao sẽ tiếp tục phát huy, còn những vị có tín nhiệm thấp sẽ cố gắng cải thiện mức độ tin tưởng trong thời gian tới.

Cũng chung với các ý kiến trên, ông Trần Thế Vinh (phường An Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cho biết, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố, những người về hưu như tôi thấy rõ trách nhiệm của những người đứng đầu đất nước, cụ thể ở đây là Quốc hội, cơ quan đại biểu của dân đã thực sự vì Nhân dân và vì sự phát triển của đất nước. Đối với người có số phiếu tín nhiệm thấp nhất, chúng tôi trong tổ hưu cho rằng đây là kết quả đáng giá đúng năng lực điều hành của người đứng đầu một s
Bộ trong thời gian qua.

 
Đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu khách quan, công tâm và chính xác - Ảnh 4
Cử tri Nguyễn Hữu Mã.
Anh Nguyễn Hữu Mã, Trần Hữu Dực, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng: “Kết quả bỏ phiếu phản ánh đúng và chính xác kết quả công việc của các thành viên Chính phủ trên từng lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội của đất nước ta hiện nay. Những ngành có sự điều hành quyết liệt đã có sự chuyển biến tích cực. Tín nhiệm nổi bật nhất là ông Đinh La Thăng.
Tuy nhiên, những ngành như: Y tế, giáo dục,... còn rất nhiều vấn đề mà xã hội đang quan tâm nên kết quả chưa cao. Vì vậy, người dân hoàn toàn tin tưởng vào kết quả bỏ phiếu”.

Bà Vũ Thị Thống (phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) chia sẻ: Tôi cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm thể hiện cách làm khoa học và rất đúng đắn và công tâm của Quốc hội. Kết quả cuối cùng cho thấy rất sát với thực tế mà các đại biểu Quốc hội thời gian qua đã cống hiến cho đất nước và Nhân dân.

Ông Lê Thanh Đạo (phường An Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) chia sẻ: Kết quả bỏ phiếu đã đánh giá đúng trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tôi chỉ mong rằng tới đây những người có số phiếu tín nhiệm thấp thì nên có những thay đổi trong cách điều hành. Có lẽ các Bộ trưởng cũng nên đến gần dân, gần thực tế hơn. Có như vậy thì mới có ngay những biện pháp xử lý kịp thời những bất cập đang diễn ra tại cơ sở.