Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Luật Du lịch đòi hỏi sự cân nhắc

Khắc Kiên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, song những với những quy định chưa rõ ràng, quá nhiều điều kiện… đang làm cản trở, ảnh hưởng đến nhu cầu, mục tiêu đầu tư của DN. Đây cũng là trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội, DN, chuyên gia kinh tế với Luật Du lịch (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này.

Bên lề Tọa đàm “Tạo đột phá cho du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” nhằm có cái nhìn đa chiều về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã có chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Ông có đánh giá như thế nào về Dự thảo Luật Du lịch lần này?
- Với việc soạn thảo chủ yếu vẫn ở các cơ quan hành pháp đã bộc lỗ những hạn chế trong việc xây dựng luật. Điều này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến. Chính vì thế thời gian qua, một số dự thảo luật đã có sự tham gia của một số ủy ban của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Internet

Và dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch năm 2005 Quốc hội cố gắng thúc đẩy việc chủ động hơn tham gia sâu hơn vào lĩnh vực làm luật. Cái mới của Quốc hội lần này là việc Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng cũng đã trực tiếp cùng với cơ quan quản lý Nhà nước tham gia đóng góp ý kiến. Và tôi nghĩ điều này sẽ giúp chỉ ra những mặt còn hạn chế của luật.
Tuy nhiên, trên cương vị cá nhân tôi hết sức quan tâm những giá trị mà Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung tác động rất mạnh đến cuộc sống. Có 2 điều mà cá nhân tôi băn khoăn và đã phát biểu ý kiến trong cuộc họp của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng. Thứ nhất, về cơ chế, giữ nguyên hiện trạng có ổn không? Vì trong xu thế như hiện nay, một vấn đề lớn như thế này mà vẫn để cho Bộ VH-TT&DL quản lý thì có gì đó chưa phù hợp. Nếu so với trước đây từng có một ủy ban phụ trách lĩnh vực này thì đây được coi là bước lùi. Thứ hai, một số giải pháp mang tính chất tình huống, không tạo nên sự đồng bộ với một số địa phương có tiềm năng du lịch lớn.
Luật Du lịch 2005 đã thi hành được hơn 10 năm đối với một ngành đang rất phát triển, vậy có cần thiết thông qua ngay Luật sửa đổi khi còn nhiều ý kiến băn khoăn, chưa đồng tình. Điều này rất cần có thêm ý kiến phản hồi từ các DN, tổ chức liên quan bên cạnh những ý kiến từ phía đại biểu Quốc hội.  Chính vì thế các bên liên quan đến du lịch, sống còn với nghề này rất cần có một thái độ rõ ràng bởi với những vấn đề liên quan đến quyền lợi sát sườn của ngành du lịch mà vẫn còn nhiều ý kiến, cách nhìn khác nhau thật sự là điều chưa ổn.
Là một ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian qua ngành du lịch trong nước đứng trước nhiều cơ hội. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng phát triển ngành công nghiệp không khói cũng như công tác quản lý thời gian qua?
- Có một thực tế cho thấy rằng, du lịch ngày càng phát triển trở thành xu thế phát triển của thế giới mà chúng ta phải đón nhận nó. Du lịch tạo ra cho kinh tế Việt Nam rất nhiều nguồn lợi khi đạt con số hàng triệu khách du lịch/năm. Nhưng đừng vì cái của ngày hôm nay hơn ngày hôm qua đã vội mừng mà quên đi cái độc đáo trong xu thế chung. Nếu đặt sự phát triển chỉ trong cộng đồng chung các nước ASEAN thì du lịch Việt Nam đang đứng mức trung bình, thậm chí là trung bình kém trong tương quan với một đất nước gần 100 triệu dân. Còn các nhà chuyên môn có thể đi vào từng tính chỉ tiêu, từng chuẩn mực đánh giá của thế giới thì càng đáng lo lắng. Trong khi các yếu tố về mặt tự nhiên, văn hóa có phần rất nổi trội thì chính những yếu tố có sự tác động quản lý của con người lại là tác nhân làm du lịch trong nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Chúng ta đã  nhắc đến du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng nếu như trước đây có hẳn một ủy ban chỉ đạo Nhà nước thì ngày nay lại do một tổng cục trực thuộc bộ quản lý. Một cảnh  quan đẹp, nó mới thuộc về tự nhiên đòi hỏi cần phải có yếu tố văn hóa mới tạo thành được sản phẩm du lịch. Nói như vậy để thấy về mặt hình thức giao Bộ VH-TT&DL là hợp lý.
Nhưng ngay trong ngành văn hóa chúng ta cũng nhận thức ra là giữa cái bảo tồn và phát huy là cả một vấn đề. Một bên cứ đầu tư, bảo tồn các giá trị, một bên thì chỉ biết khai thác. Nên ngay trong điều hành, điều hòa được mối quan hệ này đã có nhiều việc cần phải làm. Đó là chưa kể đến các ngành khác liên quan đến du lịch như ngoại giao đến cấp visa, rồi từ giao thông đến nơi nghỉ dưỡng… đặt ra đòi hỏi phải có một hành lang thuận lợi, không chồng chéo để ngành kinh tế này phát huy hiệu quả thế mạnh của mình. Chính vì thế đến thời điểm này, tôi rất là băn khoăn, hình như trong quá trình soạn thảo chúng ta chưa tập hợp và xử lý tất cả các ý kiến để chắt lọc. Cho nên đến ngày hôm nay những người đứng đầu của ngành du lịch, những người đứng đầu của một số ngành liên quan trực tiếp đến du lịch còn chưa cảm thấy ổn thì theo tôi chúng ta cần có thêm thời gian để hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch.
Vẫn còn không ít những băn khoăn, vậy theo ông thì cần phải làm gì để  Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung đảm bảo tăng cường công tác phối hợp trong quản lý cũng như tạo điều kiện tốt nhất để ngành kinh tế này phát triển?
- Quốc hội đã từng rất mạnh dạn với các luật liên quan đến bảo hiểm, mặc dù mới ban hành nhưng có những điểm bất hợp lý nên đã ngay lập tức sửa. Hay lớn như Luật Hình sự, sắp đến thời gian ban hành nhưng chúng ta vẫn quyết định dừng lại để củng cố, hoàn chỉnh. Phải chăng với Luật Du lịch sửa đổi lần này cũng nên mạnh dạn tạm dừng lại, nếu thực sự các cơ quan liên quan đến lĩnh vực này thấy điều đó là cần thiết và đưa ra những kiến nghị rất cụ thể.
Tôi cho rằng, Quốc hội với tinh thần như hiện nay, cũng như Thủ tướng từng nhấn mạnh, luật đem ra phải đáp ứng được các vấn đề thực tiễn cuộc sống nên rất cần xem xét, đánh giá những tác động tiêu cực, kìm hãm sự phát triển rất mạnh mẽ của ngành du lịch. Chúng ta là đối tượng để khách nước ngoài hướng đến, nên nếu không có đủ hành lang pháp lý để tiếp nhận, phát huy tốt nhất các tiềm năng thì tôi cho rằng đây là bước lùi không đáng có.