ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) nhận định, tại các kỳ họp hiện cơ bản là tham luận, chưa chuyển sang tranh luận, đây là vấn đề lớn nhất trong hoạt động Quốc hội hiện nay. Tại Điều 16 của Dự thảo Nghị quyết về thảo luận chưa quy định để khắc phục chuyện này. Việc điều hành phiên họp có ý nghĩa quan trọng để ĐB phát biểu tham luận và tranh luận, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Do đó, cần phải có quy định về điều hành phiên họp. “Cần phải có điều quy định về điều hành phiên họp để khắc phục tính tham luận, đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn. Có hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau", ĐB Quyền đề xuất.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội).
ĐB Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cũng cho rằng, trong phiên họp toàn thể hiện nay có tình hình phổ biến là cử tri nghe, nhất là trong truyền hình trực tiếp, ĐB phát biểu rất hay, bài hoàn chỉnh và hình như là cơ cấu giống nhau. Rất nhiều bài phát biểu rất giống nhau, chủ tọa kỳ họp nhiều khi đã nhắc nhở nhưng mà bài chuẩn bị sẵn cho nên vẫn phát biểu.
“Cử tri thường bảo các bác ĐB phát biểu hay lắm nhưng giống như đi xem ca nhạc, các ca sĩ hát cùng một bài. Có giọng nam, giọng nữ, giọng cao, giọng thấp, giọng bổng, giọng thanh nhưng toàn một bài cả, cho nên nghe một lúc là thôi, tắt tivi vì biết ngay là sau một bác khác lại phát biểu như thế. Cho nên chúng tôi đề nghị, cần quy định ĐB phát biểu tập trung ở điểm gì đó nhưng không trùng ý kiến người khác", ĐB kết lại.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình với đề nghị Quốc hội nên dành thời gian để tranh luận, ĐB đề nghị ghi vào nội quy kỳ họp dành 1/3 thời gian để tranh luận, không quy định số lần tranh luận, đến hết thời gian thì thôi. Tranh luận như vậy để các ĐB khác có thông tin, chắt lọc được vấn đề mình cần phải có chính kiến để chất lượng kỳ họp tốt hơn. ĐB cũng đề nghị cần tăng các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để Nhân dân theo dõi, giám sát, nhất là với các nội dung quan trọng. Thời gian qua truyền hình trực tiếp chủ yếu với các nội dung liên quan đến kinh tế-xã hội và chất vấn, nay tăng cường thêm các nội dung khác như thảo luận dự án luật quan trọng để người dân theo dõi, giám sát sát chất lượng ĐB khi tham gia vào dự án luật và là kênh tuyên truyền tốt để người dân tham gia góp ý.
ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao Dự thảo bởi nội quy kỳ này rất hoàn chỉnh, đã luật hóa cách chúng ta đang điều hành kỳ họp, đồng thời bổ sung quy trình thủ tục biểu quyết mới, tuy nhiên, ông Lịch nhiều lần nhấn mạnh rằng bản thân ông còn rất nhiều điều tâm tư. Nhưng với tư cách là một ĐB Quốc hội, ông Trần Du Lịch cũng chia sẻ, mỗi lần thông qua một dự án luật, với quy trình như hiện nay thì “không bấm nút không được, bấm nút thì ấm ức”. Lý do bởi các ĐB như ông không được đối thoại trực tiếp với Ban soạn thảo, chỉ được nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghe xong thì đồng ý hay không cũng không được đối thoại lại. “Muốn phiên họp có chất lượng thì tranh luận phải đi đến cùng, chứ chúng ta cứ quy định hành chính theo kiểu chỉ được nói một phút, ba phút, rồi cứ nghe Thường vụ quốc hội tiếp thu mãi thế này thì tôi thấy rất tâm tư”, ĐB Trần Du Lịch nói.
Đồng thời ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn nhận xét: “Thảo luận ở Quốc hội mà giống như công chức, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, cứ đến đúng giờ đó là nghỉ. Ví như 5h chiều dù còn nhiều ý kiến nhưng hết giờ nên ĐB không được nói nữa.” Theo ĐB Trần Du Lịch, vấn đề chúng ta phải đặt lên trên hết chính là trách nhiệm chứ không phải làm việc kiểu như thế này. Đây chính là lúc để nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội, chúng ta đầu tư vật chất quá tốt rồi thì đừng nên có những quy định hành chính hóa.
Về cơ chế đối với các ĐB, các ĐB trong phiên thảo luận cũng cho rằng, hiện có quá 2/3 là ĐB kiêm nhiệm trong khi những quy định dường như chỉ dành cho ĐB chuyên trách. Bởi một ĐB Quốc hội là Chủ tịch một tỉnh, nếu yêu cầu có mặt 6 tuần ở kỳ họp Quốc hội thì công việc ở địa phương sẽ ra sao. Nhưng nếu chủ tịch đó về giải quyết công việc ở địa phương thì lại vướng cơ chế quy định ở Quốc hội.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) quan tâm đến nội dung biểu quyết và cho rằng nên thể hiện tên ĐB trên bảng biểu quyết, vì ĐB phải thể hiện rõ quan điểm của mình; chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Đây là thể hiện bản lĩnh của mình trước Nhân dân. Chứ giờ Nhân dân không biết ĐB của mình có biểu quyết hay không. ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cũng khẳng định cần thiết công khai danh tính ĐB biểu quyết hay không biểu quyết.