Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Quy định rõ hơn về quy hoạch đô thị xanh trong Luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/8, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trong đó, các ý kiến cho rằng, cần quy định rõ hơn hoặc quy định nguyên tắc về quy hoạch đô thị xanh để làm căn cứ triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Điều hành nội dung thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật này. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại hội nghị, đa số ý kiến bày tỏ đánh giá cao kết quả tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Nhiều ý kiến nhất trí với các nội dung lớn của Dự án Luật như quy định về quản lý không gian ngầm, việc bổ sung thêm một số quy định liên quan đến nội dung còn chồng lấn, giao thoa giữa quy hoạch. Các đại biểu cũng cho rằng, về cơ bản Dự Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), Dự án Luật đã yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn phải tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm thể chế hóa quy định “phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh” của Nghị quyết 06 – NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, cần quy định rõ hơn hoặc quy định nguyên tắc về quy hoạch đô thị xanh để làm căn cứ triển khai thực hiện trong thực tiễn. Trong đó, nên quan tâm việc bảo đảm tiếp cận phổ cập với không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật. 

Đồng thời, đại biểu đề nghị xem xét thiết kế riêng một Điều quy định yêu cầu về văn hóa, xã hội trong  quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; nhất là việc bảo đảm các yếu tố về xã hội, văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên), Dự luật chưa làm rõ khái niệm quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Đại biểu chỉ ra, chúng ta có hai bản quy hoạch khác nhau là quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, tuy nhiên, từ giải thích từ ngữ đến nhiều điều, khoản trong Dự Luật đều quy định quy hoạch đô thị và nông thôn là giống nhau. Dự Luật cũng không làm rõ được bản chất của quy hoạch đô thị và nông thôn với mối quan hệ với các tổ chức hành chính. Các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, tỉnh, huyện, xã và quy hoạch đô thị và nông thôn đều chưa được phân định rõ ràng, còn chồng lấn theo đơn vị hành chính.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị, cần xác định rõ bản chất của quy hoạch đô thị là cho khu vực đã là đô thị và dự kiến sẽ phát triển đô thị; quy hoạch nông thôn là cho khu vực nông thôn và trong kỳ quy hoạch đó là nông thôn.

Đồng thời đề xuất, Bộ Nội vụ cần xem xét lại việc sắp xếp đơn vị hành chính, chỉ khi đạt đúng bản chất đô thị mới là đô thị, chứ đừng đơn thuần tính theo diện tích và dân số, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương, đặc biệt các thành phố miền núi có xã không mang tính chất đô thị và không thể phát triển đô thị được.

Về quy hoạch chung xã, Dự Luật đã bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 27 về việc không yêu cầu lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà chỉ lập riêng quy hoạch chung xã trong trường hợp xã có đặc thù về quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan; tại thời điểm lập quy hoạch chung huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định các xã cần phải lập quy hoạch chung xã trong nhiệm vụ quy hoạch chung huyện. Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, cần có thước đo chung về đặc thù (quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội) để thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, địa bàn tương liên trên cả nước và tránh việc lợi dụng, lạm dụng làm cản trở đến sự phát triển chung của đất nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến về các nội dung còn băn khoăn như: khái niệm, giải thích từ ngữ, phạm vi đối tượng, quy hoạch chung thành phố trực thuộc T.Ư, quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch không gian ngầm, xử lý các trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, thời hạn, thời kỳ quy hoạch…

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật cùng hồ sơ tài liệu theo đúng quy định để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.