Sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, “du lịch đêm” là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết ý kiến của Bộ trưởng cũng như các giải pháp khắc phục?
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) cũng cho rằng, các sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu là hình thức phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm và một số hoạt động giải trí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đổi mới sản phẩm du lịch đêm cũng như lộ trình thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ VH-TT&DL xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm. Theo đó, Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, TP để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực. Ví dụ như TP Hà Nội, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách.
"Tuy nhiên đây cũng vấn đề mới và khó, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp. Để có giải pháp căn cơ, Bộ đã đề xuất cần giải bài toán quy hoạch, lực lượng lao động, chế độ chính sách cho những hoạt động biểu diễn, nghiên cứu thị trường…" - Bộ trưởng VH-TT&DL nói.
Về hướng tiếp cận trong thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương, phát triển các loại hình ẩm thực, đáp ứng nhu cầu mua sắm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả của du lịch đêm. Gói sản phẩm về du lịch đêm mà Bộ đưa ra mang tính chất hướng dẫn, thí điểm nhưng chúng ta cũng phải xác định nguyên lý của thị trường: “bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mà mình có”.
Một số điểm sử dụng hướng dẫn viên không đạt chuẩn, sai lệch về lịch sử
Phát biểu chất vấn, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu thực tế về hạn chế trong việc quản lý đối với hướng dẫn viên tại các điểm đến chưa chặt chẽ và đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ VH-TT&DL giải pháp gì để khắc phục?
Cùng quan tâm tới vấn đề nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) dẫn báo cáo của Bộ VH-TT&DL về tình trạng nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần những giải pháp gì để nhanh chóng bổ sung và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch - nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động trong nước, đồng thời có thể hội nhập, làm việc trong ngành du lịch các nước.
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang thiếu. Trong đó, nhân lực làm tại các cơ sở lưu trú chiếm 70%; 20% là nhân lực lữ hành, còn lại 10% là làm tại các đơn vị khác. Hiện nay, chúng ta đã có 8 trường Cao đẳng Du lịch theo từng vùng, đào tạo ra, các doanh nghiệp đều nhận; bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tự đào tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề, nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN.
Đối với giải pháp cho hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, theo Luật Du lịch, đối với hướng dẫn viên quốc tế do Tổng Cục Du lịch (nay là Cục Du lịch) cấp thẻ; hướng dẫn viên trong nước là do Sở VH-TT&DL của các địa phương cấp thẻ khi họ đạt chuẩn các yêu cầu theo quy định.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số công ty lữ hành, một số điểm đến do thiếu nguồn nhân lực nên đã sử dụng một số hướng dẫn viên không đạt chuẩn, dẫn đến sai kiến thức về văn hóa, về lịch sử.
“Sau khi phát hiện, Bộ đã cho thanh tra, kiểm tra, yêu cầu trách nhiệm chính của địa phương chấm dứt ngay tình trạng này, tập trung xử lý và giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên hiện nay mới ở mức độ chấn chỉnh, nhắc nhở, còn nếu cố tình vi phạm thì Bộ sẽ chuyển cho cơ quan điều tra”- Bộ trưởng nêu rõ.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề xuất giải pháp cần tăng cường đào tạo để cấp chứng chỉ đạt chuẩn; tăng cường kiểm tra, thanh tra; tăng cường quản lý điểm đến để đảm bảo chất lượng hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra ứng dụng công nghệ tin học để đạt chất lượng tốt hơn.
Có nên tiếp tục mở rộng miễn thị thực?
Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) đánh giá việc miễn thị thực là một trong những giải pháp phục hồi du lịch sau Covid-19, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá hiệu quả của giải pháp này trong tăng trưởng du lịch quốc tế; chính sách miễn thị thực có nên tiếp tục mở rộng diện áp dụng hay không? Nếu áp dụng diện mở rộng thì sẽ hướng tới khu vực nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều quốc gia khác cũng sử dụng chính sách miễn thị thực như là một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch. Việt Nam cũng nhận thức được điều này, chúng ta đã sửa đổi một số luật có liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch. Tham khảo mô hình một số quốc gia, Bộ VH-TT&DL đã báo cáo Chính phủ có giải pháp đánh giá tổng thể về mặt chính sách visa trong thời gian qua trên tất cả các phương diện, kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Đồng thời đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương, bạn miễn visa cho ta, ta miễn visa cho bạn.