Ba vấn đề mũi nhọn
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáng 26/5, ĐB Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội trình bày trước Quốc hội.
ĐB Nguyễn Như So nói: Có thể nói, năm 2017 khép lại với thắng lợi GDP lên tới 6,81% trở thành đòn bẩy của GDP quý I năm 2018 tăng trưởng ngoạn mục với 7,38%, trong khi đó đóng góp quan trọng của khối FDI đạt 13,9%, trong khi 2017 chỉ đạt 7,8%.
Riêng Samsung với giá trị xuất khẩu điện thoại di động, linh kiện đã tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả trên như một bức tranh màu sáng nổi bật, ghi nhận nỗ lực quyết tâm của Chính phủ trong công tác điều hành kinh tế - xã hội, tạo được niềm tin cho nhân dân.
ĐB Nguyễn Như So ví: ''Kinh tế tư nhân vẫn như một đội quân thuyền thúng, gặp gió sẽ khó mà chịu được''. |
Tuy vậy, nhìn những con số tăng trưởng, diễn biến trong nước và quốc tế, ĐB đặt ra câu hỏi: Mức tăng trưởng trên liệu có thể tạo đà cho nền kinh tế tăng tốc năm 2018. Sức khỏe của doanh nghiệp và đời sống của người dân có thực sự được cải thiện song hành với tăng trưởng GDP?
Do đó, ĐB đoàn Bắc Ninh bổ sung một số ý kiến về ba vấn đề mũi nhọn để giải quyết bài toán bền vững của nền kinh tế, phát triển doanh nghiệp tư nhân, năng suất lao động và hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo ông, thứ nhất, về phát triển kinh tế tư nhân, một điểm nhấn quan trọng năm 2017 là khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 10 xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ đã có các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 cải thiện môi trường kinh doanh, tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, tăng cả về số lượng và vốn.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 56% doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động và cũng chỉ có 47,3 hoạt động có lãi. Trong kết cấu phần vượt thu ngân sách cũng chủ yếu về tài nguyên đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp nhà nước mà không phải xuất phát từ khu vực sản xuất kinh doanh.
ĐB ví: “Kinh tế tư nhân vẫn như một đội quân thuyền thúng, gặp gió sẽ khó mà chịu được. Với tình trạng sức khỏe cùng với sự quá tải, gánh nặng về chi phí, thủ tục rào cản do mô hình nhỏ lẻ, năng lực, trình độ quản trị thì căn bệnh kinh niên chậm lớn sẽ khó có thể chữa”.
Đoạn tuyệt với phân biệt đối xử trên khu vực kinh tế tư nhân
Để tháo gỡ vấn đề này, ĐB Nguyễn Như So cho rằng, Chính phủ cần giải quyết 4 vấn đề.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là giấy phép con cháu. Chỉ tính các chi phí thực hiện 5.917 điều kiện kinh doanh chuyên ngành tại các cửa khẩu thì mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 18,6 triệu ngày công với chi phí là 14.300 tỷ đồng. Do đó, cần sớm đồng bộ và hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính công và tài chính công như cách làm của Singapore. Thay vì đặt ra quá nhiều điều kiện trói buộc doanh nghiệp thì họ quản lý nghiêm túc và giám sát, phát hiện sai để xử lý kịp thời.
Thứ hai, đầu tư thiết kế hạ tầng trúng đích, tăng cường kết nối hệ thống giao thông mạng thông tin xây dựng các trung tâm kiểm định, những thành phố đáng sống, đặc khu kinh tế có mức độ tự chủ cao, nhằm giảm chi phí logistic đang ở mức quá cao, gấp 2 lần các nước phát triển và đứng đầu trong khu vực là 20,9% GDP, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ ba, tạo môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, đoạn tuyệt hoàn toàn với phân biệt đối xử trên thực tế khu vực kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện chức năng kinh doanh, bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu tư nhân về tài sản để yên tâm kinh doanh lâu dài, phát triển một cách lành mạnh.
Bốn, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân với gói tín dụng lãi suất thấp, mở rộng kênh hỗ trợ vốn, hỗ trợ với mô hình quản trị đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ công nghệ, đây chính là một trong những yếu tố quan trọng.
Chúng ta đang mất dần lợi thế của lao động rẻ
Bên cạnh đó, ĐB đoàn Bắc Ninh cũng đề cập đến câu chuyện tăng năng suất lao động. Theo ông, cần phải xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, là đòn bảy phát triển kinh tế bền vững. Năng suất lao động ở nước ta ở mức thấp, chỉ bằng 7% Singapore, 17,6% Malaixia và 36% của Thái Lan, thậm chí còn thấp hơn cả Lào là 87%. Chúng ta đang mất dần lợi thế của lao động rẻ, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế vì vậy chúng ta cần có cách nhìn đứng đắn và toàn diện trong hoạch định chính sách, thúc đẩy tăng trưởng năng suất, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cải thiện trình độ kỹ thuật lao động.
Đồng thời, khuyến khích đầu tư khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu sang hoạt động có giá trị gia tăng, nâng cao đóng góp vào năng suất các nhân tố tổng hợp. Cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh và giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế.
ĐB Nguyễn Như So cho rằng, Chính Phủ cần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng cách nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa theo nền sản xuất lớn, đẩy nhanh ứng dụng kỹ thuật số tự động, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. “Việc xây dựng và phát triển các hợp tác xã cả về dịch vụ công, nông nghiệp như ở các nước đang làm, như Đài Loan, Đan Mạnh người ta làm việc này rất hiệu quả”, ĐB nói.
Cùng với đó, cần xác định rõ tầm quan trọng của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó xây dựng các chính sách hỗ trợ có tính đột phá về môi trường kinh doanh lẫn nguồn vốn để khuyến khích doanh nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao. Lấy bài học từ phát triển thần kỳ trong nông nghiệp của Israel, Nhà nước cần sẵn sàng đầu tư nghiên cứu sinh học, không ngần ngại bỏ ra tiền giúp phát triển lý tưởng công nghệ cao nhờ đó Israel luôn duy trì là vị trí cung cấp nông sản số 1 cho Liên minh Châu Âu.
ĐB đoàn Bắc Ninh đề xuất thêm: “Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để xây dựng thương hiệu nông sản Việt, tránh đội lốt các thương hiệu nước ngoài tiêu thụ, dẫu đó là thị trường xuất khẩu hay nội địa”.
ĐB cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần làm tốt công tác quy hoạch gắn với thị trường chứ không phải hỗ trợ cho tín hiệu thị trường, tránh phải đối mặt với điệp khúc giải cứu nông sản như thời gian qua. Bên cạnh những đa dạng thị trường xuất khẩu cần xác định tiềm năng của thị trường 93 triệu dân trong nước. Người tiêu dùng đang khủng hoảng niềm tin, họ có cần sản phẩm tốt không, an toàn không, đương nhiên là có”.
“Khách hàng thuộc phân khúc nào cũng đều có thị trường cả nhưng tại sao người tiêu dùng lại sính ngoại, không phải họ thừa tiền mà vì chưa có những sản phẩm đáp ứng thị hiếu và lòng tin của họ, điều này không chỉ một mình doanh nghiệp làm và người dân cũng khó có thể làm được”, ĐB Nguyễn Như So phân tích.