Một trong những nội dung đáng quan tâm của Dự thảo Bộ Luật là đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Như quan điểm của cơ quan soạn thảo, đề xuất này được đưa ra dựa trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động. Trong quá trình thảo luận, đây là nội dung có nhiều quan điểm khác nhau.
ĐB Nguyễn Thị quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tăng giờ làm thêm phải xem xét ở góc độ đem lại quyền cho người lao động, đảm bảo hài hòa quyền của người lao động và người sử dụng lao động. Đây là vấn đề khó. Theo ĐB, cần trả lời câu hỏi làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu gì? Nếu chỉ nhìn ở góc độ để người lao động tăng thu nhập; người sử dụng lao động thảo thuận với người lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất là chưa đủ. Cần xét trên bản chất vấn đề và tiến bộ xã hội. Nếu đặt vấn đề tăng làm thêm giờ có vẻ đi ngược tiến bộ xã hội. Vì người lao động ngoài làm việc, cần thời gian để làm các công việc khác cho gia đình…
Theo ĐB, nếu hỏi công nhân có nhu cầu làm thêm hay cần làm thêm để có thêm thu nhập trong khi lương còn thấp, thì nhu cầu có thể là không. Xét trên góc độ đó, Quốc hội phải đưa ra chính sách để công nhân làm ít giờ nhưng thu nhập tăng lên, để người lao động có điều kiện tái tạo sức lao động, năng suất lao động tăng lên, chứ không phải là vắt kiệt sức. Đó là vấn đề phải bàn, thay vì chỉ tăng giờ làm thêm. Đồng thời, về góc độ người sử dụng lao động, nếu vì nhu cầu bức thiết như cần hoàn thành đơn hàng, có thể có sự thảo luận với người lao động với hình thức khác như lũy tiến lương…
Ở một quan điểm khác, ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Bình Phước) cho rằng, phần lớn người lao động không muốn mở rộng giờ làm thêm. Nhưng thực tế người lao động đã làm thêm giờ nhiều, nên cũng cần quy cần quy định như trong Dự thảo Bộ Luật. Trong đó, đã có quy định về tốt đa giờ làm thêm giờ trong ngày, trong tuần, tránh tính trạng làm thêm giờ liên tiếp, nhưng nên quy định cụ thể để tránh lạm dụng.
ĐB Trương Phi Hùng (đoàn Long An) góp ý, làm thêm tối đa là cần thiết, mức tăng thêm này xuất phát từ nhu cầu và dựa trên nhiều yếu tố như môi trường đầu tư, thu nhập… Nhưng cách tính lương nên có lũy tiến rõ ràng, như ngày nghỉ ít nhất là 300%, lễ Tết là 400% để hạn chế người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm thêm giờ.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong Dự thảo, người lao động hoàn toàn có thể tự nguyện làm thêm giờ, không bắt buộc. Đồng thời, cũng cần đưa ra những quy định rõ ràng về những ngành nghề nguy hiểm như lái xe, lái máy bay… không được làm thêm giờ, vì phải đảm bảo sức khỏe. ĐB cũng nêu lên một thực trạng hiện nay, nhiều đối tượng không muốn làm thêm giờ nhưng vẫn phải làm thêm giờ, điển hình là cán bộ y tế.
Từ phân tích thực tế, ĐB đưa ra con số trong ngành y tế có người làm thêm 1000 giờ/năm, nhưng tiền trực vẫn quá thấp, như bác sỹ loại 1 chỉ là 100 nghìn/giờ, không đủ tái tạo sức lao động. “Một số cử tri còn muốn ngành y tế làm việc cả thứ 7, Chủ nhật, như vậy, thì tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế sẽ làm thêm 800 giờ/năm, trong khi tiền phục cấp làm thêm giờ lại quá ít”- ĐB nêu thực tế.
Từ thực tế địa phương có nhiều khu công nghiệp, ĐB Dương Thị Bích Hạnh (đoàn Bình Dương) cho biết: Nhu cầu làm thêm giờ là thực tế với cả người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, tiền lương không đủ sống là nguyên nhấn khiến người lao động phải làm thêm giờ. Nhưng việc làm thêm giờ chỉ xảy ra với DN thâm dụng lao động, còn ở đối tượng DN sử dụng lao động trình độ cao là thấp.
Trước thực tế đang diễn ra, theo ĐB, nếu luật không tăng khung, DN vẫn yêu cầu người lao động làm thêm giờ, nhưng lương lại không lũy tiến, dẫn đến thiệt thòi vẫn là người lao động. Cùng với đó, ĐB cũng đề nghị quy định thời gian làm việc chính thức tối đa không quá 44 giờ/tuần với người lao động trong khu vực DN (hiện là 48 giờ/tuần).
Về tiền lương làm thêm giờ, nếu quy định thảo luận như Dự Luật là không khả thi. Nên quy định luôn là tăng lũy tiến tiền lương, để đảm bảo DN sẽ làm thêm giờ phù hợp, người lao động có thu nhập, sẽ có thời gian tái tạo sức lao động. Hơn nữa, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.