Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dai dẳng những biến tấu buồn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chẳng phải đến bây giờ, cách “tỉa gọt” truyện cổ tích để cho ra những phiên bản mới ngắn gọn hơn mới làm người lớn cảm thấy buồn lòng.

Song, nỗi buồn lòng dai dẳng từ lâu ấy đã trở thành nỗi bức xúc, đúng hơn là mất niềm tin khi những sự “tỉa gọt” kia bị biến tấu thành những ý tưởng… rất dị thường.

Dai dẳng “tam sao thất bản”

Om sòm mấy ngày nay là tập truyện dành cho trẻ nhỏ của Nhà xuất bản (NXB) Hồng Đức với nhân vật cổ tích Sọ Dừa quen thuộc được mẹ sinh ra sau khi uống nước đựng trong chiếc sọ người, kèm theo hình ảnh minh họa người phụ nữ cầm trên tay chiếc đầu lâu. Trước đó chừng một tuần, nhiều phụ huynh đã sửng sốt khi phát hiện chi tiết lạ trong câu truyện cổ tích Thạch Sanh được in trong tập “Truyện cổ tích Việt Nam” của NXB Kim Đồng (tái bản tháng 10/2014) có chi tiết: Khi mẹ Thạch Sanh qua đời, bà đã cởi cái khố duy nhất nhường cho con để con không phải… ở truồng. Độc giả còn phản ứng với những đoạn văn miêu tả mang tính bạo lực như đoạn Thạch Sanh giết trăn tinh: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”. Rồi dư luận ồn ào với nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chi tiết Thánh Gióng đánh giặc xong, ăn cơm rồi nhảy xuống… Hồ Tây tắm trong một bài học ở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (sách thử nghiệm).
Học sinh cần chọn những sách tham khảo phù hợp nhu cầu sử dụng. 	 Ảnh:  Nguyễn Trung
Học sinh cần chọn những sách tham khảo phù hợp nhu cầu sử dụng. Ảnh: Nguyễn Trung
Ngoài tranh cãi vì những “chi tiết lạ”, chưa từng được nghe tới từ trước tới nay, nhiều người còn cho rằng, đó là những chi tiết phản cảm, không đúng mực, thiếu nhân văn, thiếu sự chắt lọc, làm sai lệch văn hóa dân gian và ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ nhỏ. Nhà quản lý lên tiếng, đơn vị làm sách giải trình, câu chuyện loanh quanh rồi cũng chỉ đi đến cái kết “rút kinh nghiệm”. Còn độc giả thì vẫn không có một câu trả lời đích xác “đâu là bản chuẩn”, đành phải tự bảo vệ trẻ bằng cách loại khỏi giá sách những ấn phẩm phản cảm đó.

Lật giở lại “hồ sơ” sai sót của sách truyện dành cho trẻ nhỏ mới thấy, tình trạng này đã diễn ra không ít lần. Một số truyện cổ dân gian Việt Nam, chẳng hạn truyện Tấm Cám cũng có chi tiết biến tấu khiến các nhà giáo dục, độc giả tranh luận. Ví như trong bộ sách “Một trăm truyện cổ tích” do nhà văn Tô Hoài biên soạn, vẫn giữ nguyên chi tiết Tấm lừa Cám xuống dưới hố nhờ người dội nước sôi để lột xác cho đẹp hơn. Còn trong bộ sách do Nguyễn Đổng Chi biên soạn vẫn giữ nguyên chi tiết Tấm lấy thịt Cám làm mắm để mẹ Cám ăn… Cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú” do Gia Mạnh sưu tầm (NXB Văn hóa Thông tin) ấn hành lại chứa nội dung 18+ khi miêu tả về hành động của chú chim trong chuyện “Lêda và con thiên nga”… Nghĩa là hiện tượng “tam sao thất bản” đã lặp đi lặp lại trong quá trình làm sách cho thiếu nhi dễ đến cả chục năm nay. Nhưng chưa bao giờ những sai sót lại nối tiếp nhau như bây giờ, khiến người đọc cảm thấy lo lắng, thậm chí mất niềm tin khi chọn sách cho trẻ nhỏ. Vậy thì “rút kinh nghiệm” có nghĩa gì trong việc làm sách?

Chung quy vẫn là… ẩu

Khi đề cập tới những biến tấu của truyện cổ tích thời gian gần đây, rất nhiều nhà nghiên cứu có chung quan điểm: Tôn trọng các tình tiết văn học dân gian là cần thiết, nhưng những người làm sách cũng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nội dung, hình ảnh minh họa để bảo đảm tính nhân văn của câu chuyện, đặc biệt là phù hợp với tâm lý lứa tuổi nhỏ. TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn khẳng định: Trong truyện cho trẻ em, ở một mức độ nào đó, người làm sách vẫn có thể tránh đi vài chi tiết có thể gây ra sự sợ hãi cho trẻ mà không làm mất đi nội dung chính của truyện. Còn riêng với việc thêm thắt chi tiết để vô tình làm biến tướng các câu chuyện, tạo thành các dị bản phản cảm thì ai nấy đều khẳng định: Không thể chấp nhận!

Trong rất nhiều cuộc họp bàn, hội thảo của ngành xuất bản, vấn đề sách có nội dung sai lệch, phản cảm đã được đem ra mổ xẻ, quy trách nhiệm để tìm hướng giải quyết tận gốc. Ngay trong một diễn đàn về những cuốn sách làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục mới đây nhất, người ta cũng một lần nữa chỉ ra, để lọt ra thị trường những cuốn sách nhiều sai sót là do năng lực và trách nhiệm của cán bộ quản lý, biên tập viên trong các NXB, đơn vị liên kết làm sách. Đồng nghĩa với sự “ẩu” trong biên tập, quy trình xuất bản và quản lý – căn bệnh kinh niên của ngành xuất bản bấy lâu nay mà chưa tìm thấy đơn thuốc điều trị hữu hiệu.

Dạo qua thị trường sách cho thiếu nhi hiện nay thấy ngoài truyện cổ tích, còn vô số sách tham khảo, sách học, sách kỹ năng, truyện dịch từ ấn phẩm nước ngoài… Và thực tế cũng đã cho thấy, sai sót không chỉ nằm ở riêng góc truyện cổ tích, mà đã từng có những cuốn từ điển, những sách tham khảo… sai sót đến độ ngớ ngẩn. Khi nào sự “ẩu” vẫn còn tiếp diễn nơi các đơn vị làm sách và đơn vị kiểm duyệt, thì phụ huynh vẫn còn mất niềm tin và mệt mỏi để lựa chọn sách cho con.