Doanh nghiệp bên bờ phá sản
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên chia sẻ, bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, với vận tải hành khách, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20 - 30%, trên mỗi một chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Đặc biệt, khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, lượng hành khách đi xe lại càng giảm nhiều hơn. "Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới. Cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển" - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị.
Các diễn giả tại toạ đàm |
Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trước khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có doanh nghiệp vận tải, từ tháng 3/2020, Chính phủ đã có những gói giải pháp hỗ trợ đồng bộ, gần đây nhất là Nghị định 52 với tổng gói hỗ trợ trị giá 115.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước những tác động ngày càng lớn do làn sóng Covid-19 thứ 4 gây ra hiện nay, với đại đa số doanh nghiệp vận tải, những giải pháp hỗ trợ đó là chưa đủ.
Ở ngành du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa Hoàng Văn Vinh chia sẻ, với tình hình hiện tại, du lịch không có khách, doanh nhân có khả năng thành con nợ, ông chủ thành con nợ. Hầu như doanh nghiệp bên bờ phá sản.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị những giải pháp hỗ trợ khẩn cấp, thiết thực hơn, chủ yếu là: Giảm phí, thuế, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%...
Các ý kiến đều lo ngại, hiện nay đại dịch Covid-19 đã tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng. Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng khi dòng tiền của các doanh nghiệp bị suy yếu, đứt đoạn, thậm chí đứt hẳn dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bóng ma nợ xấu lại quay trở lại.
Đã xử lý 530.000 tỷ đồng nợ xấu
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, Nghị quyết số 42/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 21/06/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017, sau 4 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, kết quả đạt được là rất tích cực.
Nghị định 42 có tác động lớn, sâu sắc đến các ngân hàng và tổ chức, trong đó có Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ngày sau khi có nghị quyết 42, Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN đã hỗ trợ tối đa cho hoạt động xử lý, thu hồi nợ của VAMC. Cho đến thời điểm hiện nay, có 21 tổ chức tín dụng đã tất toán dư nợ cho VAMC.
Tới nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu (66% số nợ) xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bản (21%) bán cho VAMC (25)%. Trong đó, khách hàng tự nguyện trả nợ 150.000 tỷ đồng, (tăng gấp đôi thời điểm trước Nghị quyết 42 có hiệu lực).
Rủi ro tiềm ẩn, 24 ngân hàng có nợ xấu 91.244 tỷ đồng
Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, đặc biệt dịch Covid-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Báo cáo tài chính quý I/2021, nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh.
Các ngân hàng lo nợ xấu tăng trở lại |
“Tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng hiện đang niêm yết (24 ngân hàng) đạt 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, tăng 3.948 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm lên mức 1,41%”- báo cáo của Cty CP chứng khoán BOS cho biết.
Như ACB nợ xấu tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Theo báo cáo phân tích của SSI Research, ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai.
Ngoài ra, các ngân hàng đang nắm giữ số lượng nợ xấu cao trong hệ thống gồm: Ngân hàng VPBank nợ xấu tương ứng hơn 10.420 tỷ đồng, VietinBank nợ xấu hiện khoảng hơn 8.950 tỷ đồng. Vietcombank nợ xấu lên hơn 7.690 tỷ đồng. MB lên hơn 4.180 tỷ đồng.
“Việc NHNN cho phép ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận nhưng rủi ro cũng tăng lên” - Cty CP chứng khoán BOS nhận định.
Đại diện SHB cho hay: "Việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 cũng bị ngưng trệ do chính quyền địa phương (đặc biệt là các khu vực đang bị phong toả hoặc có người bị cách ly) phải tập trung phòng, chống dịch nên chưa xác nhận, hỗ trợ SHB trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Trong khi theo Nghị quyết 42: Không tham gia chứng kiến, không ký biên bản chứng kiến việc thu giữ, sẽ không được". Điều này dẫn tới việc thu giữ tài sản đảm bảo của ngân hàng gặp khó, chậm tiến độ" - đại diện Ngân hàng SHB chia sẻ.
Theo Thông tư 03 sửa đổi, ngân hàng thương mại được giữ nguyên nhóm nợ và cơ cấu để DN được tiếp tục vay (có hiệu lực ngày 17/5/2021). Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch và không vượt quá 12 tháng. Tuy nhiên, chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: Các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2021; khách hàng không có khả năng trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Có ngân hàng thừa nhận, nợ xấu tăng trong quý đầu năm 2020 chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô. Phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại. “Có nhiều xe mang đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không. Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng” - vị này kể.
Khi nền kinh tế khó khăn, việc xử lý nợ xấu khá khó khăn. Chỉ khi nào nền kinh tế hanh thông trở lại, người dân cảm thấy lạc quan vào sản xuất kinh doanh, việc phát mãi tài sản mới thuận lợi. Nguyên Viện phó Chiến lược Ngân hàng (NHNN) Phạm Xuân Hòe |
Nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm. Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng phải được hoàn thiện. Hiện nay, có thể mua bán nợ theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC Đoàn Văn Thắng |