Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phúc Thọ lần thứ XXI: Quyết tâm xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến

Thanh Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/7, Đại hội đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ huyện Phúc Thọ, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tiến hành phiên chính thức.

Tới dự có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản; Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Bùi Huyền Mai, cùng 258 đảng viên đại diện cho hơn 8.000 đảng viên của 45 tổ chức cơ sở đảng trong toàn huyện.
 Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Kinh tế tăng trưởng khá
Theo báo cáo tại Đại hội, huyện Phúc Thọ giai đoạn 2015 - 2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. 5 năm qua, kinh tế huyện có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 9%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XX đề ra. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 ước đạt 12.450 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 1,71 lần so với năm 2015.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt tỷ trọng 45,2%; thương mại, dịch vụ đạt tỷ trọng 33,6%; nông nghiệp đạt tỷ trọng 21,2%.
Sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung áp dụng khoa học, công nghệ, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, hoa và cây ăn quả.
Toàn huyện thực hiện chuyển đổi 480ha rau an toàn, 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả, 3.063ha lúa chất lượng cao. Huyện chú trọng việc đăng ký các nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển, mở rộng các mô hình khuyến nông, ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn sinh học. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng 1,4 lần so với năm 2015. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức, sắp xếp, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, từng bước đa dạng và phát huy hiệu quả các dịch vụ.
Đặc biệt năm 2020, TP Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư cho 5 doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp Tam Hiệp, Nam Phúc Thọ, Liên Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Võng Xuyên với tổng nguồn vốn gần 2.000 tỷ đồng. Đây là một trong điều kiện thuận lợi, cơ hội lớn để phát triển kinh tế huyện.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn huy động giai đoạn từ 2010 đến hết quý II/2020 của huyện là 3.778,746 tỷ đồng, từ các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống Nhân dân.
Đến nay, 100% số xã của huyện đã được TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 15 xã so với năm 2015 và sớm 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XX đề ra (năm 2020); 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới đều đạt, huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị trung ương và TP Hà Nội công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020.
Công tác quản lý đô thị, đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Diện mạo, cảnh quan đô thị, các trục đường chính, các khu trung tâm của huyện và các xã, thị trấn khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.
Một trong những nét riêng, điểm mới của Phúc Thọ trong nhiệm kỳ là phát động và tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Ba sạch”: Nước sạch - Môi trường sạch - Nông nghiệp sạch. Từ khi phát động năm 2017 đến nay, Cuộc vận động đã được sự hưởng ứng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đạt nhiều kết quả tích cực. Số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 75,6%.
Từ thực hiện Cuộc vận động có thêm nhiều tuyến đường nở hoa, tuyến đường tranh bích họa, thêm nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGap, mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh đúng quy định, đem lại uy tín, chất lượng an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp.
Lĩnh vực văn hóa, thông tin và thể thao có nhiều tiến bộ. Công tác quản lý nhà nước về các lễ hội truyền thống được chú trọng, duy trì tổ chức tốt Lễ hội truyền thống đền Hát Môn - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và lễ hội truyền thống các địa phương trong huyện. Thực hiện tốt công tác quản lý, nâng cấp, duy tu, bảo tồn, khai thác, sử dụng các di tích lịch sử văn hóa. Hoàn thành thủ tục và được công nhận Di tích đặc biệt cấp quốc gia đình Tường Phiêu - xã Tích Giang.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phúc Thọ khóa XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội.
Quyết tâm xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và những thành tựu, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phúc Thọ đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời đánh giá cao việc Đảng bộ huyện đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục.
Thống nhất chủ đề của đại hội với quyết tâm xây dựng huyện Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng sẽ mở ra bước phát triển mới của huyện, đồng thời đề nghị Đảng bộ huyện tập trung làm tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với việc chủ động bám sát diễn biến dịch Covid-19, huyện cần chủ động rà soát, cập nhật, điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đề nghị huyện phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần có giải pháp huy động tối đa sức mạnh tổng hợp trên địa bàn để xây dựng thành công huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến và coi nông thôn mới là nhiệm vụ trung tâm của phát triển kinh tế, nhiệm vụ xuyên suốt của cả nhiệm kỳ.
Đặc biệt, huyện cần tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai và trật tự xây dựng, bảo đảm phát triển đô thị, nông thôn đồng bộ, hiện đại và bền vững; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai; tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm.
Trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ huyện cần tiếp tục phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, chăm lo xây dựng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, qua đó khơi gợi khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, động viên mọi nguồn lực góp sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn tin tưởng, với bề dày lịch sử và truyền thống của quê hương anh hùng cách mạng, trong những năm tới huyện Phúc Thọ sẽ phát triển toàn diện, mạnh mẽ, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phúc Thọ khóa XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 37 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phúc Thọ khóa XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức phiên họp thứ Nhất, bầu 11 đồng chí vào Ban Thường vụ khóa XXI; bầu bà Lê Thị Thu Hằng - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy khóa XX, tái đắc cử chức danh Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ khóa XXI; bầu ông Đoàn Tuấn Anh và đồng chí Doãn Trung Tuấn giữ chức danh Phó Bí thư Huyện ủy khóa XXI.