Chỉ thế thôi đã đủ thấy đại hội lần thứ 7 này của Đảng Lao động Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng to lớn như thế nào đối với đất nước này.
Đại hội lần thứ 6 diễn ra năm 1980. Khi ấy, lãnh đạo cao cấp nhất của Triều Tiên là ông Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jung un, người được coi là lãnh đạo cao cấp nhất hiện tại ở Triều Tiên. Thế giới bên ngoài có được quá ít ỏi thông tin xác thực về thực trạng tình hình kinh tế xã hội và đặc biệt trong nội bộ đảng cầm quyền ở Triều Tiên. Thời ông Kim Chính Nhật cầm quyền, tức là người con trai của ông Kim Nhật Thành và cha đẻ của ông Kim Jung un, dài chứ không phải ngắn từ 1994 đến 2011, đảng cầm quyền không một lần tiến hành đại hội. Cho nên thế giới bên ngoài nước này dễ dàng nhất trí với nhau rằng đại hội sau 36 năm sẽ đưa lại bước ngoặt đối với tương lai của Triều Tiên. Câu hỏi đặt ra nhưng rất khó trả lời là bước ngoặt ấy hướng về đâu ?
Chắc chắn ông Kim Jung un phải tự tin về sự vững chắc của nền tảng quyền lực của mình như thế nào mới quyết định tiến hành tổ chức đại hội đảng. Đại hội này xem ra chỉ nhằm để hợp pháp hoá những quyết định về nhân sự và đường lối chính sách của nhà lãnh đạo trẻ kia kể từ khi kế nhiệm người cha đến nay ở Triều Tiên. Tổ chức đại hội như thế giúp tạo hình ảnh về sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ đảng cầm quyền và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của đảng cầm quyền dành cho người được suy tôn làm lãnh tụ mới của đảng và đất nước Triều Tiên.
Ông Kim Jung un dùng sự kiện trọng đại này để củng cố nền tảng quyền lực và để tạo ra tương quan quyền lực mới giữa đảng cầm quyền và giới quân sự ở Triều Tiên mà nhiều khả năng là sẽ theo hướng đảng kiểm soát quân đội chứ không phải ngược lại. Những gì Triều Tiên đã làm trước đại hội đều là sự chuẩn bị cho sự xác lập chính thức tương quan quyền lực mới này.