Đại Lộc (Quảng Nam): Cần sớm hỗ trợ cho nông dân bị thu hồi đất

Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu tái định cư Ấp Trung tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã được chính quyền địa phương thu hồi đất từ 2 năm trước. Tuy nhiên, theo phản ánh mà PV Báo Kinh tế & Đô thị nhận được thì người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

 Người dân lo lắng về tình trạng sạt lở, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoa màu
Theo tìm hiểu của PV, dự án Khu tái định cư (TĐC) Ấp Trung để di dân các vùng thiên tai đặc biệt khó khăn do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam xây dựng phương án từ năm 2015. Đến tháng 2/2017, chính quyền địa phương huyện Đại Lộc và các ngành chức năng tổ chức thu hồi đất trồng cây hàng năm, hàng chục hộ bị thu hồi đất màu với số tiền đền bù, hỗ trợ từ vài chục triệu đồng cho đến cả trăm triệu đồng mỗi hộ. Đến nay, Khu TĐC đã gần lấp đầy nhà ở mà họ vẫn chưa nhận được khoảng tiền bồi thường, hỗ trợ do bị thu hồi đất. 
Anh Lê Quang Bảo (1970, trú thôn Ấp Trung, xã Đại Minh) tâm sự: “Gia đình anh bị thu hồi gần 1.000m2 đất sản xuất và được áp giá đền bù, hỗ trợ gần 120 triệu đồng, nhưng hiện chỉ mới được “tạm ứng” chưa đến 35 triệu đồng. Trước đây, diện tích đất canh tác của gia đình tôi làm được 3 vụ/năm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Nông dân mà không có đất sản xuất nên cuộc sống gặp khó khăn vô cùng. Mong sao chính quyền sớm chi trả toàn bộ số tiền đền bù, hỗ trợ để người dân ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp…”.

Tương tự như trường hợp anh Bảo, anh Nguyễn Văn Phương (trú thôn Ấp Nam) bị thu hồi gần 700m2, được áp giá đền bù, hỗ trợ 84 triệu đồng, nhưng chỉ mới nhận được hơn 19 triệu đồng; ông Đặng Văn Thanh (trú thôn Ấp Nam) bị thu hồi gần 720m2, được áp giá đền bù, hỗ trợ 95 triệu đồng, nhưng chỉ mới nhận được 25 triệu đồng; ông Ngô Quyết (hộ bà Nguyễn Thị Hòa) được giá đền bù, hỗ trợ 70 triệu đồng, nhưng chỉ mới nhận được 17 triệu đồng…

Không những vậy, khi dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế Khu TĐC Ấp Trung, người dân bị thu hồi đất còn tỏ ra lo lắng về tình trạng ô nhiễm, nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng đến hoa màu của người dân. “Làm khu TĐC sát đất canh tác của người dân nhưng lại không xây dựng kè chống nên nguy cơ vào mùa mưa, đất đá từ khu dân cư sạt lở, trôi xuống bồi lấp đất, cây hoa màu là rất lớn. Một nguy cơ nữa là tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt từ nhà dân xả thẳng ra cánh đồng đanh canh tác, bởi trong khu TĐC không hề có cống thoát nước ra ngoài…”, ông Đặng Văn Thanh (trú thôn Ấp Nam) tâm sự.

Trao đổi với ông Lê Quang Thu - Phó Chủ tịch xã Đại Minh về những phản ảnh của người dân, ông Thu đã khẳng định việc phản ảnh của người dân là đúng, hiện tại người dân bị thu hồi đất chỉ mới nhận được tiền đền bù đất trồng cây hàng năm và hoa màu của người dân. Xã cũng đã gửi công văn UBND huyện Đại Lộc đề nghị sớm bố trí trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Về thiết kế của dự án TĐC Ấp Trung, ông Thu cũng cho biết, trong thiết kế của dự án Khu TĐC Ấp Trung không có kè chống sạt lở và không có mương thoát nước ra bên ngoài. Do đó, nguy cơ sạt lở đất gây bồi lấp đất, cây trồng vào mùa mưa, cũng như ô nhiễm nước thải là rất cao. Một thông tin khá bất ngờ được ông Thu tiết lộ là trên thực tế, dự án Khu TĐC Ấp Trung chỉ mới thực hiện được khoảng 40% (san lấp).

“Hiện khu TĐC này chỉ mới thực hiện được khoảng 40%, khu TĐC chưa thi công hệ thống đường điện, nước, mương thoát nước ra ngoài khu dân cư. Tuy nhiên do nhu cầu di dời dân cấp bách nên địa phương đồng ý cho người dân vào xây dựng nhà ở. Riêng hạng mục kè chống sạt lở, chính quyền địa phương đã đề xuất huyện Đại Lộc bổ sung và đã được đồng ý, nhưng vẫn chưa thực hiện được”, ông Thu cho biết.