Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đắk Nông: người dân sống bất an vì lo sợ sạt lở

Lê Cung - Phương Đông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sạt lở nghiêm trọng tại tuyến quốc lộ 14 đoạn qua TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) diễn ra từ tháng 8/2023 nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Điều này khiến cho người dân hết sức lo lắng về tài sản và tính mạng khi mùa mưa năm 2024 đã đến.

Người dân bất an

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài vào giai đoạn đầu tháng 8/2023, trên tuyến quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, có nơi miệng hố đã rộng hơn 1 m và sâu hơn 3 m so với mặt đường.

Phía taluy âm đoạn đường Hồ Chí Minh bị sụt lún, sạt trượt có 17 hộ dân sinh sống. Sau khi xảy ra sự cố vào đầu tháng 8/2023, UBND TP Gia Nghĩa đã di dời các hộ dân sống ổn định phía dưới taluy bị sạt của tuyến đường đến nơi khác để lánh tạm. Song do nhu cầu cuộc sống, sau thời gian, các hộ dân đã quay về nơi ở cũ.

Taluy âm đoạn đường Hồ Chí Minh bị sụt lún, sạt trượt hiện có 17 hộ dân sinh sống.
Taluy âm đoạn đường Hồ Chí Minh bị sụt lún, sạt trượt hiện có 17 hộ dân sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, trú ở tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, là một trong 17 hộ dân bị ảnh hưởng. Bà Tịnh cho biết, sau khi sơ tán tạm thời gian hơn 2 tháng thì phải quay trở về lại nhà cũ vì chưa được Nhà nước bố trí chỗ ở ổn định và không có tiền thuê nhà trọ.

Bà Tịnh và các hộ dân xung quanh đã làm đơn cầu cứu gửi ngành chức năng để có phương án hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thoả đáng trong khi mùa mưa lại đến, không biết phía trên kia tuyến đường sụp xuống lúc nào.

Bà Nguyễn Thị Tịnh và các hộ dân ở phía taluy âm đoạn đường Hồ Chí Minh bị sụt lún, sạt trượt đang rất lo lắng vì mùa mưa năm 2024 đã đến.
Bà Nguyễn Thị Tịnh và các hộ dân ở phía taluy âm đoạn đường Hồ Chí Minh bị sụt lún, sạt trượt đang rất lo lắng vì mùa mưa năm 2024 đã đến.

Bà Phan Thị Quyết, ở tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành cũng có hoàn cảnh tương tự.

Tháng 8/2023, cùng với đoạn đường bên trên quốc lộ 14 bị sụt lún, sạt trượt dẫn đến một lượng đất lớn đổ vào phía sau tường nhà bà Quyết khiến hơn 10 m2 nhà phía sau bị đổ sập.

Nhiều ngôi nhà bị hư hỏng do tuyến đường bên trên sụt lún.
Nhiều ngôi nhà bị hư hỏng do tuyến đường bên trên sụt lún.

Nhưng sau nhiều tháng đi sơ tán, do cuộc sống khó khăn nên gia đình bà phải quay lại về ngôi nhà cũ để sinh sống. Hiện, mùa mưa đã tới và nỗi lo sụt lún, sạt trượt, đe dọa đến tài sản, an toàn tính mạng lại bắt đầu đối với gia đình bà Quyết.

Chính quyền địa phương chưa có giải pháp an toàn

Ông Lê Công Thiêm, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Thành cho biết, sau khi xảy ra sự cố vào đầu tháng 8/2023, UBND TP Gia Nghĩa đã di dời 17 hộ dân sống ổn định phía dưới taluy bị sạt của tuyến đường đến nơi khác để lánh tạm. Hiện có 16 hộ dân đã quay về nhà cũ để sinh sống lại.

Mùa mưa năm 2024 đã đến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục sạt lở ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp nào phù hợp để đưa bà con ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm. Hiện chính quyền địa phương chỉ biết tuyên truyền vận động bà con nâng cao cảnh giác trong thời điểm mưa lớn kéo dài và sẵng sàng các phương án ứng cứu khi có sạt lở xảy ra.

Nhiều ngôi nhà bị nứt, hư hỏng do ảnh hưởng của tuyến đường bên trên sụt lún, sạt trượt. 
Nhiều ngôi nhà bị nứt, hư hỏng do ảnh hưởng của tuyến đường bên trên sụt lún, sạt trượt. 

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Sau sự cố trên, có 2/4 làn của đoạn đường bị sạt trượt đã được các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông cho rào chắn. Toàn bộ các phương tiện được điều hướng sang di chuyển qua 2 làn đường còn lại. Bên cạnh đó, phương tiện xe có tải trọng lớn được điều chuyển sang lưu thông qua tuyến tránh đô thị Gia Nghĩa để giảm tải cho đoạn đường này.

Tuy đã cắm biển và hàng rào chắn phân luồng, nhưng do là tuyến đường chính huyết mạch nên mỗi ngày lượng phương tiên lưu thông qua đây rất lớn, đường đi lại quanh co nên rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Mỗi ngày, lượng phương tiện lưu thông qua đoạn đường này rất lớn.
Mỗi ngày, lượng phương tiện lưu thông qua đoạn đường này rất lớn.

Ông Tạ Văn Long, sinh sống gần khu vực bị sạt lở cho biết, sau khi mưa lớn làm nứt gãy đoạn đường thì việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, các phương tiện đi lại nhất là vào ban đêm, trời mưa rất nguy hiểm. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do mưa lớn xe đổ dốc lao gặp cua gấp nên mất lái, các phương tiện giao thông thường xuyên va quẹt rất nguy hiểm.

Để khắc phục sự cố sụt lún đường Hồ Chí Minh tại đoạn Km1900+350 đến Km1900+650, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông (nhà đầu tư dự án BOT) và UBND TP Gia Nghĩa bàn bạc, thống nhất phương án khắc phục.

Phương án khắc phục phải bảo đảm an toàn tính mạng, bảo đảm đời sống cho 17 hộ dân ở taluy âm đoạn đường đang bị sụt lún. Bên cạnh đó, việc khắc phục cần thực hiện sớm để bảo đảm an toàn công trình, bảo đảm mỹ quan tại “cửa ngõ” trung tâm TP Gia Nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Sạt lở nghiêm trọng tại tuyến quốc lộ 14 đoạn qua TP Gia Nghĩa từ tháng 8/2023 đến nay chưa thể khắc phục
Sạt lở nghiêm trọng tại tuyến quốc lộ 14 đoạn qua TP Gia Nghĩa từ tháng 8/2023 đến nay chưa thể khắc phục

Hướng khắc phục phải lâu dài

Ông Hà Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện đơn vị đã tính toán 3 phương án xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún quốc lộ 14.

Phương án 1: tiến hành thanh thải khối đất, phạm vi công trình đã bị sụt trợt; khảo sát, thiết kế kè chắn ta luy, kết hợp cải tạo bề mặt ta luy nền đường, cải tạo hệ thống thu gom nước mặt và xây dựng hoàn trả nền, mặt đường, công trình thoát nước theo quy mô hiện hữu.

Phương án 2: cải tạo tuyến đường theo hướng dịch tim về phía bên phải vào trong khu vực ổn định; kết hợp cải tạo hệ thống thu gom nước mặt và xử lý một phần bề mặt ta luy nền đường.

Phương án 3: tiến hành khảo sát, thiết kế cầu cạn trên phạm vi nền, mặt đường bị sụt lún, hư hỏng, đồng thời kết hợp cải tạo hệ thống thu gom nước mặt và xử lý bề mặt taluy nền đường.

Tuy nhiên hiện nay, hiện nay nhà đầu tư dự án BOT đang lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lấp dự án nên việc khởi công dự án khắc phục sự cố sụt lún đường Hồ Chí Minh tại đoạn Km1900+350 đến Km1900+650 sớm cũng phải đến hết quý 1/2025 và thời gian hoàn thành xong sớm nhất cũng đến cuối năm 2025.

Thời gian khắc phục sự cố sụt, lún quốc lộ 14 hoàn thành xong sớm nhất cũng đến cuối năm 2025.
Thời gian khắc phục sự cố sụt, lún quốc lộ 14 hoàn thành xong sớm nhất cũng đến cuối năm 2025.

Di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm gặp nhiều khó khăn

Hiện tại, 17 hộ dân có nhà phía dưới khu vực bị sạt lở đang rất lo lắng vì mùa mưa năm 2024 đang đến nên đã làm đơn cầu cứu gửi ngành chức năng để có phương án sớm xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện lãnh đạo UBND TP Gia Nghĩa, do khu vực này chưa có dự án liên quan đến việc thu hồi đất nên địa phương cũng chưa biết giải quyết như thế nào đối với kiến nghị của người dân.

Hiện tại, 17 hộ dân có nhà phía dưới khu vực bị sạt lở đang rất lo lắng vì mùa mưa năm 2024 đã đến.
Hiện tại, 17 hộ dân có nhà phía dưới khu vực bị sạt lở đang rất lo lắng vì mùa mưa năm 2024 đã đến.

Ngoài ra, đoạn sạt lở quốc lộ 14 qua TP Gia Nghĩa là dự án BOT do Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông (BOT Đức Long) làm chủ đầu tư nên nằm ngoài thẩm quyền của UBND TP Gia Nghĩa. Nếu muốn di dời người dân phía taluy âm thì phải có dự án thu hồi đất, bố trí tái định cư. Nếu chỉ hỗ trợ theo chính sách phòng, chống thiên tai thì người dân sẽ thiệt thòi và họ sẽ không chịu di dời. Do vậy hiện tại, TP Gia Nghĩa đang chờ phương án khắc phục của tỉnh Đắk Nông mới tiếp tục triển khai thực hiện các kiến nghị của người dân.