Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đắk Nông: OCOP nâng tầm giá trị sản phẩm

Lê Cung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tỉnh Đắk Nông, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã tăng giá trị, lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp ở địa phương.

Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Đắk Nông đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang khẳng định thương hiệu, chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản Đắk Nông.

Năm 2020 sản phẩm trà mãng cầu Anna Food của hộ kinh doanh Lê Thị Ly Na, (phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận OCOP 3 sao. Từ khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm trà mãng cầu Anna Food  tiếp tục được phát triển một cách bài bản, nhất là chú trọng về khâu chất lượng mà các sản phẩm trà mãng cầu Anna Food được đóng gói với những mẫu mã đẹp nhìn bắt mắt. Nhờ vậy đến năm 2023, sản phẩm trà mãng cầu Anna Food được nâng hạng OCOP lên 4 sao.

Sản phẩm trà mãng cầu Anna Food đạt OCOP 4 sao.
Sản phẩm trà mãng cầu Anna Food đạt OCOP 4 sao.

Trước đây, hộ kinh doanh Trần Văn Hồi (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) sản xuất sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo với quy mô nhỏ. Năm 2020 sau khi sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo An Tây Nguyên của ông Hồi đã được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận OCOP 3 sao thì sản phẩm có đầu ra thuận lợi hơn nhiều. Từ đó, ông Trần văn Hồi đã mở rộng quy mô xưởng sản xuất lên 250m2, chuyên sản xuất sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo tươi, khô, rượu đông trùng hạ thảo và cung cấp thêm phôi giống ra thị trường.

Hiện sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo An Tây Nguyên đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước.
Hiện sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo An Tây Nguyên đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước.

Ông Trần Văn Hồi cho biết: “Từ khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo An Tây Nguyên đã tham gia nhiều sự kiện do huyện, tỉnh tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối cung cầu cho sản phẩm. Hiện nay sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo An Tây Nguyên có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhờ vậy đã tạo thuận lợi trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho cở sở so với trước đây”.

Sản phẩm OCOP  Đắk Nông được khách hàng nước ngoài quan tâm.
Sản phẩm OCOP  Đắk Nông được khách hàng nước ngoài quan tâm.

Tính đến tháng 9/2024, tỉnh Đắk Nông đã có 96 sản phẩm OCOP của 78 chủ thể, trong đó có 18 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao. Doanh thu từ các sản phẩm OCOP của Đắk Nông hiện đạt khoảng 150 tỷ đồng/1 năm. Các sản phẩm OCOP đã tạo ra khoảng 1.200 việc làm trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế nông thôn.

Đắk Nông hiện có 96 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Đắk Nông hiện có 96 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: trong những năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Nông đã tạo ra bước tiến mới cho các sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh. Chương trình không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân nông thôn mà còn góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Các sản phẩm sau khi được công nhận và sử dụng nhãn hiệu OCOP đã tạo niềm tin đối với người tiêu dùng cũng như đủ điều kiện đưa vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Ngoài ra, OCOP cũng sẽ là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế, trước mắt hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.