Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp sức để sản phẩm OCOP vươn xa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) đạt hiệu quả và phát triển bền vững, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó hệ thống bán lẻ cần tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP đưa hàng vào siêu thị tiêu thụ.

Ở chiều ngược lại, các chủ thể OCOP cũng phải thường xuyên cải tiến mẫu mã sản phẩm, để phù hợp với tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng.

Hà Nội - điểm sáng trong phát triển sản phẩm OCOP

Phát biểu khai mạc tọa đàm “Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 26/8, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đánh giá, OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực địa phương và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng

Thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội và cả nước đã và đang khẳng định được chất lượng, ghi dấu trên bản đồ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, Ủy ban MTTQ TP
Hà Nội, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và đơn vị liên quan đã quan tâm, thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đi muôn nơi với các hình thức ngày càng hiệu quả và bền vững.

Dưới góc độ là một trong những cơ quan chủ lực của TP Hà Nội trong việc phát triển sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn thông tin, Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá là “đầu tàu” trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua 15 năm triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành. Đồng thời đưa nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm... tiêu thụ.

Ngoài ra phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch làng nghề, nông thôn qua đó kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của DN hàng Việt. “Việc thúc đẩy sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần giúp hàng Việt nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt…" – ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Cần cái bắt tay giữa nhà sản xuất với bán lẻ

Mặc dù các cấp, các ngành đã tích cực vào cuộc, nhưng thực tế cho thấy sản phẩm OCOP chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Ngoài ra quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường. Sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản.

Phản ánh về những khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm OCOP, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Sữa Con Bò Vàng Phan Uyên cho biết, hiện, công ty có hơn 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Thế nhưng hiện nay kênh phân phối của DN chủ yếu qua cửa hàng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được hệ thống siêu thị. Muốn vào hệ thống siêu thị, DN phải mất phí mở mã vạch khá cao và phải ký gửi hàng hóa thanh toán theo từng đợt, điều này gây khó khăn trong việc duy trì nguồn vốn lưu động.

Tại tọa đàm, các chủ thể OCOP có chung kiến nghị, các siêu thị nên có chính sách hỗ trợ phí mở mã vào hệ thống. Với cơ quan quản lý, đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ DN dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ. Đặc biệt cần truyền thông mạnh hơn nữa để người tiêu dùng và các nhà thu mua có thể tìm kiếm được ngay nhà sản xuất.

Trước những kiến nghị của các chủ thể OCOP, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đang có hơn 130 mặt hàng OCOP đến từ các hợp tác xã của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, bên cạnh việc bảo đảm về số lượng, các chủ thể OCOP cần chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm. Thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt qua đó người tiêu dùng có thể hiểu được câu chuyện về sản phẩm, tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm OCOP của vùng miền khác nhau.

Thông tin về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối bán lẻ gửi Sở NN&PTNT; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội cung cấp thông tin đến các DN trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như: triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.

Về lâu dài, ngành Công Thương tiếp tục tổ chức có hiệu các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng... để đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng, kết nối vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm; thông tin mời các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng khắp trên địa bàn TP để người tiêu dùng nhận diện, ưu tiên mua sắm.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Tiến Nghi chia sẻ, trong thời gian qua TP đã triển khai nhiều nội dung hỗ trợ cho các chủ thể, như thiết kế mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Để duy trì, phát triển chương trình OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian tới TP Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tiếp tục phát triển mạnh mẽ hệ thống logistics. Thúc đẩy xây dựng mạng lưới các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

 

Xác định, Chương trình OCOP là một chính sách trọng tâm, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn. Đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn

Hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được minh bạch kết nối chặt nhà quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng, chúng tôi kiến nghị cần truyền thông mạnh hơn nữa để người tiêu dùng và các nhà thu mua không bị mất quá nhiều thời gian qua kênh trung gian mà có thể tìm kiếm được ngay nhà sản xuất.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương Phạm Thị Lý