Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo hài hòa định tính và định lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc đổi mới cách đánh giá, nhận xét học sinh (HS) tiểu học đang áp dụng trong năm học này, nhà giáo Trần Xuân Đình – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhận định, bên cạnh triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, vẫn cần có những điều chỉnh hợp lý để thực hiện hiệu quả chủ trương này.

Nhà giáo Trần Xuân Đình cho rằng: “Nhận xét và đánh giá HS phải có căn cứ. Trước đây, chúng ta căn cứ vào định lượng bằng việc cho điểm, thì giờ đây thay bằng định tính nhiều hơn. Truyền thống giáo dục trong nhà trường phổ thông là đánh giá HS một cách toàn diện, do đó, mình phải điều chỉnh việc đánh giá cho thật chính xác. Việc Bộ GD&ĐT quy định đánh giá hoàn toàn đối với HS tiểu học cũng khiến giáo viên lúng túng, nhất là khi không đưa ra cơ sở khoa học để họ làm theo. Theo tôi, nhà trường phải kết hợp vừa định tính và định lượng thì việc đánh giá HS mới mang lại kết quả chính xác. Chẳng hạn, chấm điểm môn toán, tiếng Việt; nhận xét môn Đạo đức, Kỹ năng sống hay các hoạt động khác. Vừa định tính, vừa định lượng cũng góp phần giảm bớt thời gian giáo viên phải nhận xét để tập trung vào tư duy, sáng tạo cách dạy học mới mang lại hiệu quả cao hơn.

 
Đảm bảo hài hòa định tính và định lượng - Ảnh 1

 
Nhiều người cho rằng, chương trình giáo dục tiểu học quá tải, nhất là khi áp dụng Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về quy định đánh giá HS tiểu học. Dẫu biết rằng, chúng ta đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhưng trong thời gian chuyển tiếp này, vẫn phải đổi mới nội dung dạy học một cách tinh và chắc. Bộ GD&ĐT nên rà soát lại chương trình, xem nội dung nào cần bỏ, nội dung gì cần đổi mới thì thực hiện ngay. Còn nếu cứ đợi đến khi có chương trình, sách giáo khoa mới, e rằng quá trễ. Hơn nữa, đối với HS tiểu học, muốn hấp dẫn các em phải áp dụng phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”, tăng cường các tiết học trò chơi, các chuyến đi thực tế sẽ giúp kiến thức được thu nạp một cách tự nhiên.
Lo lắng của xã hội về việc bậc tiểu học thực hiện nhận xét nhưng lên THCS lại chấm điểm, khiến HS khó hòa nhập là hoàn toàn đúng. Chúng ta không nên có sự đứt đoạn như thế. Có lẽ, ngay từ tiểu học, môn học nào có thể cho điểm thì chúng ta thực hiện, môn học nào cần nhận xét thì chúng ta cứ làm. Lên THCS, tỷ lệ môn học đánh giá bằng nhận xét giảm đi đồng nghĩa với số môn học chấm điểm tăng lên. Dù thế nào, các trường từ tiểu học đến THPT phải tăng tính hành dụng, việc này cũng nhằm thực hiện nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường kết hợp với ngoài xã hội. Theo tôi, đổi mới căn bản giáo dục cần phải theo tiêu chí đúng hướng, đúng quy luật và đúng thực tiễn”.