Do đó, tại hội thảo xúc tiến đầu tư và hợp tác các tỉnh, thành phố phía Bắc với Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, nhiều đại biểu ủng hộ việc xây dựng liên kết chặt chẽ trong khu vực để đảm bảo nguồn cung nông sản ổn định cho Thủ đô.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chỉ đáp ứng được 69% nhu cầu thịt gia súc các loại, 32% cá các loại, 84% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 33% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại. Ước tính năm 2012, số lượng lương thực, thực phẩm Hà Nội phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu từ nước ngoài là rất lớn.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức về dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường... Chính vì vậy, việc liên kết với các tỉnh trong khu vực là rất cần thiết.
Một số nông sản của Hà Nội được giới thiệu tại Hội chợ nông nghiệp và làng nghề Hà Nội 2012.
Ông Dương Xuân Bánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh Bắc Giang có 32 triệu con gà. Tỉnh đang phát triển đàn gà đồi Yên Thế để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Trong dịp Tết Nguyên đán 2013, Hà Nội đã đặt hàng 5 triệu con gà đồi Yên Thế phục vụ người tiêu dùng.Theo ông Phạm Văn Lái, Giám đốc Sở NN&PTNT Yên Bái, toàn tỉnh Yên Bái có 430.000ha rừng, 170.000ha quế (sản lượng 1 vạn tấn/năm), sản lượng chè đạt trên 20.000 tấn/năm.
Đây là nguồn sản phẩm hàng hóa dồi dào để cung cấp cho thị trường Hà Nội. "Tuy nhiên, Yên Bái lại thiếu rau xanh và hoa, phải nhập từ Hà Nội, Vĩnh Phúc... Do đó, việc liên kết hợp tác trong nông nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội về đầu ra cho nông sản của cả Hà Nội và Yên Bái" - ông Lái chia sẻ.Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, dự kiến đến năm 2015, dân số Thủ đô đạt trên 9 triệu người, nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng.
Tuy nhiên, dự kiến lượng thực phẩm sản xuất tại chỗ của Hà Nội vào năm 2015 chỉ cung ứng được 52% thịt gia súc, 64% cá, 65% trứng gia cầm, 20% sữa, 44% gạo tẻ, 55% rau củ tươi. Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, trong thời gian qua, Hà Nội cũng đã tích cực hợp tác với tỉnh trong khu vực để phát triển sản xuất nông nghiệp. Thông qua đó, các bên đã trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật như cơ giới hóa, thụ tinh nhân tạo trên đàn gia súc, giống cây trồng, vật nuôi mới...
Một số sản phẩm các tỉnh đưa về được người Hà Nội ưa chuộng như cam, mía Hòa Bình; chè Phú Thọ, Thái Nguyên; cá tầm Lào Cai, Yên Bái... Ông Hoàng Thanh Vân đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh trong khu vực cần tích cực khai thác lợi thế của địa phương để xây dựng hệ thống cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho Hà Nội. Trong đó, khai thác thế mạnh của Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn của Hà Nội (sanbanbuon.com) để kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Sắp tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP có chính sách hỗ trợ xây dựng các địa điểm tập kết để doanh nghiệp các tỉnh đưa nông sản sạch vào Hà Nội. Đặc biệt, năm 2013 Hà Nội sẽ tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, nhất là các tỉnh biên giới để kiểm soát chặt chẽ hơn việc vận chuyển nông sản vào Thủ đô.
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về thông tin và nguồn vốn để tham gia vào các chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt là thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân. |