Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 28/2, Thường trực MTTQ TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể…

Những nội dung về cơ chế bồi thường, thu hồi đất, trách nhiệm của cơ quan quản lý… đã được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
 
Thu hồi hay trưng mua?

Hầu hết các đại biểu đều có chung nhận định: Việc sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu bức thiết từ thực tế, nhằm khắc phục những điều bất cập trong quản lý về quy hoạch, thủ tục hành chính, thu hồi, giá đất, khiếu nại tố cáo… Tuy nhiên, một số vấn đề được nêu trong Dự thảo Luật vẫn chưa thực sự rõ ràng và còn thiếu tính khoa học.

 
 
Đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất - Ảnh 1
 
Khi thu hồi đất phải đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi.Ảnh: Nguyễn Tuân

Đưa ra vấn đề người dân quan tâm nhất và còn nhiều ý kiến khác nhau là cơ chế thu hồi, ông Vũ Thành Vĩnh, Hội đồng tư vấn pháp luật của MTTQ TP cho rằng: Người dân luôn chịu thiệt khi bị thu hồi đất, do đó, Luật cần xem xét dưới quan điểm mới, coi quyền sử dụng đất đai là tài sản và người dân có quyền với tài sản đó. Do đó, dùng thuật ngữ "thu hồi" mặc dù đúng, nhưng chưa đủ. Theo ông Vĩnh, Luật phải phân ra 3 loại: Chỉ "thu hồi" với những đất đai lấn chiếm bất hợp pháp, vi phạm pháp luật; dùng chữ "trưng dụng" với đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh xã hội, công cộng; còn lại dùng chữ "trưng mua" với các dự án kinh tế - xã hội mang tính thương mại và phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng với chủ đầu tư.

ạo quỹ đất sạch. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, vấn đề "hậu" thu hồi cần bổ sung nhiều điểm để người dân đảm bảo cuộc sống. Nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP Phạm Ngọc Thảo đề nghị: Nên có thêm khoản: Việc bồi thường, tái định cư phải đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất bằng hoặc hơn trước đó và được thực hiện trước khi bàn giao đất. Cưỡng chế thu hồi đất cũng phải quy định rõ, chỉ khi nào người sử dụng đất vi phạm pháp luật sau khi đã đền bù thỏa đáng mới cưỡng chế.

Băn khoăn với phương thức xác định giá đất, TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở KHCN&MT Hà Nội đề xuất: Nên bổ sung quy định trước khi định giá đất phải khảo sát, điều tra hiện trạng tại khu đất ấy. Hơn nữa, phương thức xác định giá đất đền bù phù hợp với giá thị trường, nghe thì rất hay, nhưng chắc chắn khi đưa vào thực hiện sẽ lại "cãi vã" nhau vì thực tế giá ảo nhiều hơn giá thật, rất khó xác định thế nào là thị trường.

Thành lập cơ quan tư vấn xác định giá đất được xem là một điểm mới của dự thảo, nhưng Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Nguyễn Như Phương đặt câu hỏi: Vậy, Nhà nước có lập cơ quan xác lập giá hay do tổ chức nào đứng ra. Những người làm nhiệm vụ ấy có hưởng lương Nhà nước không? Độ tham mưu có chính xác không? Nhiều đại biểu đề xuất: Phải có thêm quy định nếu có nhiều cơ quan tư vấn giá đất, nhưng mức giá tư vấn lại khác nhau trên cùng một mảnh đất phải ngồi lại với nhau để thỏa thuận một mức giá phù hợp nhất.

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sai phạm

Đưa ra hàng loạt những vấn đề bất cập và buông lỏng trong quản lý đất đai  thời gian qua, ý kiến các đại biểu cho rằng: Dự thảo Luật dù có nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, nhưng vẫn chung chung, cần quy trách nhiệm thật cụ thể nếu để xảy ra sai phạm. Đồng thời, phải quy định rõ quyền hạn của UBND các cấp từ tỉnh, huyện đến xã. Vì thực tế, xảy ra nhiều trường hợp chính quyền cơ sở cứ cấp dự án tràn lan, đất để hoang phí, nhưng không có ai bị xử lý trách nhiệm cả. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Luật phải nói rõ phân công, phân cấp của quản lý Nhà nước. Tránh tình trạng quyền thì ai cũng nhận, nhưng khi xảy ra sai phạm lại không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Và đặc biệt phải có cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý, đây là điểm Luật chưa đề cập đến.

Xử lý dứt điểm dự án “treo”

Cùng ngày, tại buổi họp báo về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ TN&MT tổ chức, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi có quy định về việc xử lý chênh lệch về giá đất khi việc triển khai dự án chậm, kéo dài. Khi phê duyệt dự án, giá đền bù thấp, nhưng sau một thời gian giá đất tăng lên sẽ phải xác định lại để người dân được hưởng. Tuy nhiên, nếu giá xuống thấp sẽ không điều chỉnh xuống, tránh thiệt hại cho dân.

Dự thảo Luật cũng quy định cơ chế xử lý việc thu hồi đất do vi phạm quy định về chậm tiến độ sử dụng đất. "Với các dự án "treo", Bộ TN&MT đã làm việc với các địa phương và sẽ tăng cường giám sát cả quá trình triển khai dự án. Đối với các dự án mới có chủ trương, chưa triển khai, thì có thể hủy bỏ dự án. Đối với các dự án đã triển khai, quá thời hạn thì có thể thu hồi. Trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và không được thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất còn lại" - Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh.

 

"Bộ TN&MT đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu góp ý đối với các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, vấn đề định giá đất, việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Dự thảo Luật sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; trong đó, ưu tiên quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất." - Ông Nguyễn Mạnh Hiển Thứ trưởng Bộ TN&MT